Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 23/04/2015
Ngày cập nhật:
26/4/2015
Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.
Nuối tiếc
Một chủ trương được cho là có thể giúp dân đổi đời khi cách đây 10 năm, các ban ngành khám phá tiềm năng vùng đầm phá để có thể nuôi trồng thủy sản, các loài nhuyễn thể. Cũng thời điểm này, Công ty cổ phần Nuôi và Dịch vụ thủy sản tỉnh đưa về địa phương hơn 100 ngàn con trai lấy ngọc để nuôi thử nghiệm, nguồn kinh phí trên cả tỷ đồng do Bộ Khoa học-Công nghệ đầu tư. Ngư dân Lộc Bình tích cực tham gia dự án. Có hộ nuôi tôm sú, nuôi cá lãi thấp đã chuyển sang nuôi ngọc trai với khát vọng đổi đời. “Dù là hộ được chọn nhưng vợ chồng tôi đêm nào cũng thao thức trăn trở, nhưng ngờ thì ít, tin thì nhiều nên vợ chồng bàn bạc với nhau, rồi mạnh dạn quyết định bỏ nuôi tôm sang nuôi trai lấy ngọc”, ông Ngô Sỹ Hợp nhớ lại. “Cái khó lúc đó là vốn đầu tư. Dự án chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng lồng, một phần về giống, còn lại người dân tự bỏ ra. Vậy là, cả tui và nhiều người phải vay mượn tiền. Có hộ vay đến 50 triệu đồng…”, bà Lê Thị Sen tiếp lời.
Trại nuôi trai của Công ty Biển Ngọc bị hoang phế
Theo lời của các hộ nuôi thì giống ngọc trai được dự án mua từ vùng biển Quảng Ninh. Trai được thả nuôi trên vùng đầm phá Tam Giang có độ mặn trên dưới 2%, rất phù hợp và phát triển tốt hơn hẳn chính nơi vùng nuôi truyền thống của nó (Vân Đồn-Quảng Ninh). Cả cán bộ khuyến ngư, lãnh đạo địa phương đều ngỡ ngàng trước những viên ngọc trai óng ánh đầu tiên ra đời. Chất lượng ngọc được đánh giá còn cao hơn cả ngọc trai được nuôi ở Vân Đồn và những vùng khác trên cả nước.
Khu vực trang trại nuôi ngọc trai của Công ty Biển Ngọc vẫn còn nguyên vẹn
Khát vọng đổi đời của ngư dân Lộc Bình tưởng chừng đã đến, nào ngờ dự án lại “bỏ của chạy lấy người”. Ông Tôn Thất Mẫn, Giám đốc Công ty cổ phần Nuôi và Dịch vụ thủy sản tỉnh lúc đó nêu lý do vì mới nuôi thử nghiệm, số lượng sản phẩm ít nên chưa thể thu mua cho dân được (!?). Theo chúng tôi, cách trả lời như vậy là “phủi tay”, thiếu trách nhiệm. Nuôi thí điểm thì lấy đâu ra số lượng lớn sản phẩm, vả lại trước khi bắt tay vào nuôi, cán bộ dự án cũng đã thuyết trình chuyện nuôi trai “một vốn, mười lời”, công ty còn hứa sẽ bao tiêu đầu ra cho người dân.
Những viên ngọc trai bế tắc đầu ra, người dân chưa hết vui lại lo lắng. Có hộ nắm giữ trong tay đến cả mấy trăm viên ngọc, cũng chỉ để làm kỷ niệm. Còn nếu cất công đem bán chừng ấy ngọc ở Quảng Ninh, hay Phú Quốc thì không đủ chi phí đi lại. “Người dân vẫn còn xót của, tiếc công. Mấy năm ròng rã học nghề, bất kể nắng mưa đều lặn lội để cấy ghép từng con trai mới có được chừng 100 viên ngọc. Nếu là con tôm, con cá thì còn ăn được, chứ ngọc trai thì chịu. Giờ giàu mô chẳng chộ, lại ôm cục nợ không biết khi mô trả hết”, bà Sen thở dài.
Họa vô đơn chí
Cùng với ngư dân, Công ty Biển Ngọc còn thuê mặt nước đầu tư nuôi trai lấy ngọc theo mô hình trang trại hẳn hoi, với hơn 1 triệu con. Trang trại tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Đang nuôi có vẻ “ngon ăn” thì đùng cái, cửa biển Tư Dung bị bồi lấp từng ngày, cản trở dòng chảy. Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình - Lê Túy cho biết, công ty này phải bỏ ra cả tỷ đồng để nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa biển Tư Dung nhưng vẫn không cải thiện, gây ô nhiễm môi trường nên trai chết hàng loạt, ước tính thiệt hại cả chục tỷ đồng. Công ty này lại “bỏ của chạy lấy người”.
Tuy không còn nuôi nữa, nhưng Công ty Biển Ngọc vẫn thuê người trông coi, giữ lại trang trại nuôi ngọc trai. Hôm chúng tôi đến, các lồng nuôi, hệ thống phao phục vụ nuôi cấy ngọc trai vẫn còn nguyên vẹn. Theo ông Lê Túy, Công ty Biển Ngọc hứa, nếu cửa biển Tư Dung được nạo vét, khơi thông trả lại nguồn nước trong lành thì sẽ tiếp tục vào đầu tư nuôi ngọc trai và một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Công ty này còn có hướng đầu tư xây dựng khu resort tại bãi biển Tư Dung, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan của du khách. Đây cũng là cơ hội mở hướng làm ăn mới đầy triển vọng cho người dân địa phương. Các dịch vụ nhà hàng, bán hàng lưu niệm ngay tại địa phương hứa hẹn sẽ phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định, nguồn nước, môi trường vùng đầm phá Tam Giang khu vực Lộc Bình rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và các loại nhuyễn thể. Vùng đầm phá này ít ảnh hưởng bão lũ, dòng chảy, độ mặn tương đối ổn định, tuy nhiên do cửa biển Tư Dung bị bồi lấp nghiêm trọng, các mô hình nuôi cá, ốc hương, hay ngọc trai đều thất bại do điều kiện nguồn nước thay đổi, môi trường ô nhiễm... Hướng lâu dài, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh cần đầu tư, nghiên cứu để nạo vét cửa biển Tư Dung, chỉnh trị dòng chảy đảm bảo ổn định nguồn nước, xử lý môi trường; đồng thời quy hoạch, định hướng nuôi trồng thủy sản, tiêu thụ sản phẩm... Nếu cửa biển Tư Dung được nạo vét khơi thông sẽ có cơ hội thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào đầu tư nuôi trai, hay các loài nhuyễn thể, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân.
Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.