Nguồn tin: Báo Nghệ An, 12/05/2015
Ngày cập nhật:
14/5/2015
Những ngày đầu tháng 5 này, mọi công tác cải tạo ao đầm, chuẩn bị nước đã hoàn tất để bắt đầu vào vụ nuôi tôm (vụ 1) quan trọng nhất của năm. Thời điểm này, tại các đầm tôm ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thị xã Hoàng Mai bà con đang tập trung thả tôm giống.
Tháng 4 vừa qua, lứa tôm giống đầu tiên tại trại sản xuất tôm giống của ông Nguyễn Hồng Cương (xã Quỳnh Liên, TX. Hoàng Mai) thành công đánh dấu một thắng lợi lớn của ngành nuôi trồng thủy sản Nghệ An. Đến nay, trại tôm giống của ông Cương đã sản xuất được 40 triệu con giống và xuất bán gần 16 triệu con giống cho các hộ nuôi tôm vùng TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu…
Ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hoàng Mai cho biết: “Hiện tại, toàn thị xã đã tiến hành thả tôm vụ chính trong năm, đạt gần 250 ha/485 ha. Vụ tôm năm nay ngoài việc ương gièo thành công 950 triệu con giống của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn thì việc cung cấp giống còn được ký kết hợp đồng chặt chẽ với các công ty lâu nay có uy tín như Việt Úc, CP. Ngoài ra, trong năm qua xã Quỳnh Lộc và phường Quỳnh Xuân đã được hỗ trợ để nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm cho bà con đã tạo điều kiện thuận lợi cho vụ tôm năm nay”.
Người dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả tôm giống. Ảnh: Phạm Bằng
Một điểm mới đối với bà con nuôi tôm TX. Hoàng Mai trong năm nay, đó là sự thay đổi trong cơ cấu mùa vụ. Những năm trước, bà con tiến hành thả 2 vụ, vụ 1 từ 15/3 đến 30/4, vụ 2 từ tháng 7 đến tháng 9 thì trong năm nay chỉ sản xuất vụ chính và thả giống từ 15/3 đến 30/6. Trước những thay đổi về thời gian thả, ông Đậu Đức Ninh, Chủ tịch HTX nuôi tôm tại phường Quỳnh Xuân chia sẻ: “Việc thay đổi cơ cấu vụ nuôi như vậy có nhiều ưu điểm để nâng cao chất lượng sản xuất. Bởi nếu chỉ tập trung sản xuất vào một vụ trong năm thì ao đầm nuôi sẽ có thời gian được nghỉ ngơi để cải tạo, đảm bảo cho nguồn nước được sạch hơn và hệ thống cấp thoát nước được duy tu bảo dưỡng. Duy chỉ có hạn chế vào thời gian tháng 5, tháng 6 lúc này thời tiết khá nóng và độ mặn của nước tăng cao gây khó khăn cho sự phát triển của con giống.
Trước khó khăn đó bà con đã khắc phục bằng cách bơm nước ngọt từ ruộng, kênh vào đầm tôm hoặc khoan giếng ở khu vực quanh đầm để cung cấp nước ngọt. Từ đó độ mặn của nước sẽ được giảm nhiều và điều hòa được nhiệt độ của đầm tôm”. Theo kinh nghiệm của các hộ chia sẻ, thì khi thả giống người nuôi không thả ồ ạt cùng một lúc hết số lượng con giống dự tính mà chia đều trong vòng 5 ngày đến 1 tuần để có thể theo dõi tình hình ao nuôi.
Ở huyện Quỳnh Lưu, các xã nuôi tôm trọng điểm như Quỳnh Bảng, Qụỳnh Thanh, An Hòa… cũng đang tiến hành chăm sóc tôm vụ 1. Vụ tôm 1 là vụ quan trọng nhất của năm, nên bà con đều lo lắng và làm sao để có vụ thu hoạch hiệu quả.
Anh Ngô Trí Đông ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng có 1 ha tôm (hiện đã thả tôm thẻ chân trắng) cho hay còn một lứa nữa đến 14/ 5 mới thả hết. Con giống anh vẫn phải mua của miền Nam về qua các công ty trên địa bàn. Để tôm phát triển, quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay theo anh Đông là quản lý môi trường nước là quan trọng nhất, nguồn nước lấy vào phải đảm bảo, gây màu tảo, diệt khuẩn cho tốt, không bị ô nhiễm môi trường. Quạt nước đúng quy trình để đảm bảo tôm phát triển tốt. Cũng theo anh Đông cho biết, bà con Quỳnh Lưu đã rải tôm ra thành nhiều lứa thả khác nhau. Có hộ tôm đã lớn sắp tới đây có thể thu hoạch để đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Người dân xã Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai kiểm tra hệ thống quạt gió để chuẩn bị cho vụ tôm mới
Về huyện Diễn Châu - một trong những địa phương đang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”. Vụ 1 năm nay bà con tiến hành nuôi tôm trên tổng diện tích 126 ha, đến nay đã tiến hành thả giống trên 80% diện tích nuôi trồng. Diễn Châu nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi tôm, bởi các vùng nuôi nằm sát biển với nhiều hệ thống dẫn nước biển trực tiếp vào các đầm. Chính đảm bảo được nguồn nước với độ mặn phù hợp và sạch bệnh nên hằng năm bà con nơi đây thâm canh 3 vụ tôm, cho năng suất và chất lượng sản phẩm khá cao.
Tìm hiểu tại xã Diễn Trung, một trong những điểm sáng trong phương pháp nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học của huyện Diễn Châu. Được biết, trong tổng số 45 ha nuôi tôm của toàn xã thì có 15 ha của 14 hộ nuôi tôm theo phương pháp này. Hằng năm sản lượng của diện tích trên cao hơn từ 25 - 30% so với các hộ nuôi thường, và tỷ lệ an toàn mùa vụ đạt trên 80%.
Anh Nguyễn Bình, ở Diễn Trung, sở hữu 2 ao tôm tổng diện tích trên 5.000m2, anh còn đầu tư thêm ở Nghi Yên (Nghi Lộc) 3 ao tôm nữa tổng diện tích hơn 1 ha. Năm 2013, anh từng lãi trên 1,2 tỷ đồng từ nuôi tôm. Anh Bình cho biết, năm nay, sau khi cải tạo ao đầm, anh đã thả 80 vạn con giống; để đạt được kết quả cao trong nuôi tôm, người nuôi phải biết giãn vụ, ngưng vụ để cải tạo, phơi đầm theo quy trình, thỉnh thoảng phải nghỉ vụ để đất hồi sinh.
Ông Đậu Ngọc Hòa - cán bộ khuyến nông huyện Diễn Châu cho biết: “Nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học có những quy định chặt chẽ cơ sở vật chất cũng như quy trình nuôi. Thường khi nuôi tôm người dân chỉ có 1 đầm, dẫn đến việc nước dễ bị ô nhiễm Khi nuôi theo hướng này thì người nuôi cần có 3 khu riêng: ao nuôi, ao lắng và ao xả. Hệ thống ao này sẽ xử lý nước được tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cho tôm. Ngoài ra, vùng nuôi an toàn sinh học được xây dựng đảm bảo về cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương cấp thoát nước riêng biệt, không xả thải trực tiếp ra môi trường cũng giảm bớt tình trạng bùng phát ổ dịch cho tôm”.
Đánh giá về tiến độ nuôi tôm vụ 1 trong toàn tỉnh hiện nay, ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói: “Tính đến thời điểm này, trong tổng số 1.350 ha nuôi tôm của toàn tỉnh thì bà con nuôi đã thả giống được gần 60% diện tích với toàn bộ là giống tôm thẻ chân trắng. Nguồn giống năm nay hứa hẹn sẽ khắc phục được tình trạng khan hiếm, bởi ngoài nguồn cung từ trại giống của ông Nguyễn Hồng Cương thì Công ty Việt Úc còn đầu tư một cơ sở tại xã Quỳnh Minh với diện tích 4 ha, công suất 3 tỷ con giống mỗi năm. Trong vụ tôm năm nay, các cơ sở này đều đã cung cấp một lượng giống khá lớn để đảm bảo cho nhu cầu của các hộ nuôi.
Thanh Quỳnh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.