Nguồn tin: Báo An Giang, 15/09/2017
Ngày cập nhật:
16/9/2017
Mùa lũ, mùa làm ăn. Bà con nghèo xa xứ “di cư” về cánh đồng nước biên giới khai thác cá, tôm. Trên chiếc xuồng cui đơn sơ, mộc mạc, họ lênh đênh theo sóng nước mưu sinh.
Lấy mỏm đất làm nơi “ngụ cư”
Cánh đồng biên giới mùa này tấp nập ghe, xuồng của dân nghèo viễn xứ. Cặp mé kênh Vĩnh Tế còn một vài gò đất nhô cao nằm thoi loi giữa dòng nước lũ. Ở nơi đó, những phận đời cơ cực xa quê tá túc để giăng câu, thả lưới, kiếm sống, đắp đổi qua ngày. Ghé thăm, ông tám Ngại (Lê Văn Ngại, 60 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trường, An Phú, An Giang) vào buổi trưa nắng gắt. Gặp ông đang cùng nhóm bạn huyên thuyên chuyện khai thác cá đồng, rôm rả cả khúc kênh. Trong đoàn “di cư” theo con cá đồng, tám Ngại là người lớn tuổi nhất và có kinh nghiệm với cái nghề hạ bạc này. Tính đến nay, tám Ngại có trên 30 năm theo đuổi theo con nước lũ để khai thác cá linh. Năm nào cũng vậy, tám Ngại và những người cùng xóm cũng “trưng dụng” mỏm đất cặp bờ kênh Vĩnh Tế thuộc xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) để "nương náu" qua mùa lũ.
Xúc cá linh còn sống bán cho bạn hàng chợ xa
Cái nắng vừa đứng, cũng là lúc những “ngư phủ” bán cá xong cho bạn hàng chợ đường xa. Tiếng máy chạy tành tạch của kẻ đến, người đi thật hối hả. Cảnh “trên bến, dưới thuyền” thật nhộn nhịp, tạo nên một bức tranh quê tuyệt mỹ ở miền biên viễn này. Giờ đây, con nước dòng kênh Vĩnh Tế đã ngả màu “nước cỏ”. Nhìn dòng nước lửng lờ trôi, tám Ngại bồi hồi nhớ lại những năm lũ lớn dìm ngập đồng ruộng, cá mắm nhiều vô kể. Người dân khai thác cá linh nhiều đến nổi phải xả bỏ hoặc dùng làm phân bón. Còn nay, cá linh ngày càng ít dần theo năm tháng. “Rồi đây, người ta đánh bắt theo kiểu “tuyệt tình” với thiên nhiên thì sau này con cá linh sẽ đi vào dĩ vãng”- tám Ngại lo lắng.
Trải qua không biết bao nhiêu mùa nước nổi lớn, nhỏ nên tám Ngại thấu hiểu hết nỗi thăng trầm, trắc trở của nghề. Bởi, đánh bắt cá phải phụ thuộc vào con lũ, có năm trúng, năm thất. Làm nghề này hết mùa lũ, rồi đâu vẫn hoàn đấy. Cho tới hôm nay, cuộc sống của gia đình ông vẫn vậy. Tám Ngại trầm ngâm: “Những năm lũ lớn, mỗi ngày tôi khai thác cá dính đầy xuồng. Hồi ấy, cá linh nhiều, người ta đong tính bằng giạ, chứ chưa dùng cân. Còn bây giờ cá hiếm quá, chúng tôi phải rủ nhau giong xuồng vào vùng biên này để giăng lưới thì mới có cá linh. Nghề này mấy ai giàu có chú em ơi. Hết mùa lũ thì xem như hết tiền”.
Trở lại làng quê khi lũ cạn
Cuộc mưu sinh của họ phụ thuộc vào con nước nên cũng lắm gian truân. Mùa nước nổi về thì họ trôi dạt ở xứ người, mùa khô thì trở về quê làm thuê mướn, kiếm sống đắp đổi qua ngày. “Mùa nước vừa rút khô đồng cũng là lúc anh em tụi tui nhanh chân trở về quê ăn Tết. Nhờ chí thú suốt mùa nước nổi, nên có đồng vô, đồng ra xài ba ngày Tết”- tám Ngại thở dài và nói thêm tình hình con lũ hiện nay, có chỗ nước sâu ngập ngang ngực, có chỗ lút đầu. Mỗi ngày, phải canh theo con nước để giăng lưới thì mới có cá. Thời điểm này, cá linh miền biên giới đã to cỡ ngón tay nên bà con dùng lưới loại mắc to 2,5cm để bủa trên đồng lũ. Có hôm gặp trời giông bão, nhóm tám Ngại, ba Kiều, sáu Bình, tư Nĩ phải tìm những bụi cây để trú ẩn trên đồng. Họ xem những bụi cây như chiếc “phao cứu sinh” để tiếp tục cho cuộc hành trình giăng lưới gian nan phía trước. “Đồng lũ bao la. Nếu thấy “ông trời” kéo mây đen kịnh thì phải nổ máy chạy lẹ vào bờ hoặc tìm chỗ có nhiều cây gáo, tràm để lánh nạn. Nếu chủ quan sẽ bị sóng nhấn chìm trên đồng”- tám Ngại nói.
Hằng ngày, tại nơi mỏm đất ấy, có từ 10-20 đầu xuồng neo đậu lại để hàn huyên chuyện đánh bắt cá đồng. Hai Nam (Lê Văn Nam 50 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trường, An Phú), bà con với tám Ngại, cũng neo chiếc xuồng cui bên mỏm đất “tạm trú” tại xã Nhơn Hưng để mưu sinh bằng nghề giăng lưới cá linh. Hàng ngày, hai Nam lướt chiếc xuồng cui băng đồng biên giới từ tờ mờ sáng để bủa lưới cá linh. Đến khi trời “đứng bóng” (khoảng 11-12 giờ), hai Nam phân lưới gỡ cá đem về cân cho bạn hàng. “3 giờ sáng, tôi bắt đầu bủa 7.000m lưới trên cánh đồng giáp biên. Đến khoảng 7 giờ, phân lưới kéo dài đến 11 giờ trưa, rồi nhanh tay chạy xuồng về chợ cân cá. Ngày nào cũng vậy, riết quen dần, nếu không làm thì không có tiền lo sấp nhỏ cái ăn, cái mặc ở nhà”- hai Nam cho biết.
Ngày nay, để con cá linh bán được giá cao, những “ngư phủ” giăng lưới phải biết cách rọng sống để mang về tận chợ thành thị. Thuở trước, cá linh người ta không thèm ăn thì nay trở thành món đặc sản của mọi nhà. Anh Nguyễn Văn Phách (47 tuổi, ngụ cùng xóm với hai Nam và năm Ngại) nói rằng, xuất phát từ nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng nên cá linh phải còn nhảy xoi xói thì mới đáp ứng được khoái khẩu của thực khách xa gần. Nhờ vậy, giá cả cũng nằm ở mức cao nên người đánh bắt cá có thu nhập khá ổn định trong suốt mùa lũ. “Hiện tại, bạn hàng cân cá linh rọng sống với giá 22.000 đồng/kg. Trung bình, giăng dính mỗi ngày từ 10-15kg, nếu bán với giá này, thu nhập tròm trèm 200.000 đồng, sau khi trừ chi phí”- hai Nam khoe.
Càng về trưa, tiếng máy nổ dưới dòng kênh Vĩnh Tế ngày càng đông đúc. Những chiếc xuồng cui lũ lượt băng ngang đồng nước bao la để tiếp tục cho cuộc hành trình mưu sinh đầy trắc trở trong mùa lũ.
Lưu Mỹ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.