Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 12/9/2018
Ngày cập nhật:
13/9/2018
Trong tiết heo may của những ngày đầu tháng 9, khi trà nhãn chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục thu hoạch các diện tích nhãn chín muộn.
Anh Phạm Đức Long ở xã Bình Kiều tiếp tục nhân rộng diện tích trồng các giống nhãn chất lượng cao
Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Hiếu ở thôn Quyết Thắng xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) thường xuyên có mặt ở vườn nhãn để thu hoạch nhãn xuất bán cho các siêu thị và khách hàng đến mua lẻ. Trong khi nhiều nhà vườn đã cơ bản thu hoạch xong trà nhãn chính vụ thì từ đầu tháng 9, vườn nhãn của ông Hiếu mới bắt đầu vào vụ.
Gia đình ông Hiếu có 1,5 mẫu vườn. Trước kia, ông chủ yếu trồng các giống nhãn chính vụ như hương chi, T6. Nhằm kéo dài thời gian thu hoạch nhãn, ông Hiếu mày mò, tìm tòi các giống nhãn mới, thu hoạch rải vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cách đây 10 năm, ông lặn lội lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) tìm mua giống nhãn T1 về trồng thử nghiệm. Nhận thấy giống nhãn này cho quả có chất lượng, giá trị cao nên ông bàn với gia đình chuyển sang trồng toàn bộ giống nhãn muộn T1.
Ông Hiếu cho biết: Nhãn T1 là giống nhãn khó tính nên dù trồng được chục năm nhưng mới chỉ cho thu hoạch ổn định được 3 năm. Năm 2017, vườn nhãn T1 cho sản lượng 3 tấn, giá bán tại vườn trung bình 35.000 đồng/kg. Năm nay, ông Hiếu ước thu hoạch gần 3 tấn nhãn T1. Nhãn được khách đến tận nhà đặt mua và được xuất bán cho siêu thị Fivimart…
Giống nhãn này cho thu hoạch vào đầu tháng 9 dương lịch. Khi chín quả hơi vẹo, vỏ mỏng, cùi dày, giòn và có vị ngọt sắc. Trọng lượng trung bình đạt 60 – 65 quả/kg, ông Hiếu cho biết thêm.
Ông Hiếu cho biết: Việc trồng nhãn chín muộn cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu từng năm. Đặc biệt, người trồng phải có kỹ thuật thâm canh tốt. Dù đây là các giống nhãn chín muộn tự nhiên nếu muốn cây cho thu hoạch vào thời điểm như mong muốn, vào đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, người trồng cần nhìn “sức cây” để khoanh gốc, tiện cành để “hãm” sự phát triển của cây, lùi thời gian ra hoa đậu quả. Đồng thời thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây nhãn để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý…
Là huyện có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu hiện có khoảng 1.600ha nhãn đang cho thu hoạch, diện tích trồng quy mô tập trung khoảng 900ha ở các xã: Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Sản lượng nhãn năm nay của huyện đạt khoảng 20.000 tấn.
Bên cạnh giống nhãn chủ đạo là nhãn chín muộn Miền Thiết, những năm gần đây nông dân huyện Khoái Châu trồng thêm một số giống nhãn mới chất lượng cao như: nhãn siêu ngọt, nhãn T1, T2, T6. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài bắt mắt với những chùm quả to mọng nâu sáng óng ả, nhãn T1, T2, T6, nhãn siêu ngọt đang hứa hẹn là giống cây đem lại giá trị kinh tế cao trong tương lai. Từ khi có mặt trên thị trường, các giống nhãn này trở thành “cơn sốt” trên thị trường vì vị ngon và ngọt sắc của chúng.
Anh Phạm Đức Long ở thôn bình Kiều, xã Bình Kiều bắt đầu trồng nhãn từ năm 2000 với 3 mẫu ruộng, chủ yếu là giống nhãn Miền Thiết. Năm 2004, anh Long cải tạo lại ruộng, trồng 5 sào nhãn giống T1, T6 và 4 sào nhãn giống siêu ngọt. Năm nay, anh Long ước thu hoạch khoảng 20 tấn nhãn, trong đó có 10 tấn nhãn T1, T6 và siêu ngọt. Với mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngon nên anh Long không bao giờ phải lo đầu ra cho những loại nhãn này mà chủ yếu được khách hàng quen đặt trước để làm quà biếu với giá bán cao hơn các giống nhãn khác trên thị trường.
Anh Long cho biết: “Nhãn siêu ngọt, T1, T6 khi chín quả nhỏ hơn nhãn Miền Thiết, vỏ mỏng, khi bóc lộ ra cùi dày ánh vàng, các múi nhãn lồng vào nhau, dóc hạt. Khi đưa lên miệng thấy cùi nhãn mềm mà giòn, ngọt mà thanh, hương thơm thoang thoảng như mùi mật ong. Chính vì vậy, giống nhãn T1 còn được ví như nhãn “đường phèn lai”. Do đặc điểm của giống nhãn và cách chăm sóc đặc biệt chỉ chăm bón nhãn bằng ngô, đỗ tương nghiền ủ nên loại nhãn này dù chín quá 20 ngày, quả vẫn ngon và giữ được chất lượng tốt”.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Để có nhiều giống nhãn tốt chiếm lĩnh được thị trường, những năm gần đây huyện đã tích cực xúc tiến, quảng bá thương hiệu gắn với nâng cao quy trình sản xuất, giúp người dân trồng nhãn tiếp cận với phương pháp khoa học, ứng dụng tiến bộ để đổi mới công nghệ sản xuất; đồng thời thực hiện cam kết tạo ra sản phẩm giá trị cao, bảo đảm nhãn vừa sạch vừa đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhằm lưu giữ các giống nhãn đặc sản vốn có của tỉnh”.
Dương Miền - Hương Giang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.