• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Trồng cam bón phân hữu cơ, hướng đi mới cho nền nông nghiệp sạch

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 02/11/2018
Ngày cập nhật: 4/11/2018

Phần lớn diện tích vườn cam trong thời kỳ kinh doanh của gia đình chị Trần Thị Duyên, ở đội 6, thôn Long Hưng, xã Hải Phú, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được chọn là mô hình thí điểm của đề tài khoa học “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” đến nay đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với năng suất và chất lượng vượt trội.

Kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu quả cam sau khi thực hiện đề tài

Vườn cam của gia đình chị Duyên có khoảng 600 cây cam giống Vân Du, được trồng cách đây 5 năm, trong đó có 340 cây được lựa chọn thí điểm phương pháp canh tác sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển. Khi tham gia mô hình thí điểm này, gia đình chị được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn phương pháp kỹ thuật chăm sóc cây, xử lý sâu bệnh. Bắt đầu thực hiện vào năm 2017, đến nay gia đình chị đã thu hoạch lứa cam đầu tiên, trong đó phần lớn được siêu thị nông sản hữu cơ QTO thu mua và phần còn lại bán lẻ ra thị trường. Giá siêu thị thu mua tận vườn là 30.000 đồng/kg, chị Duyên ước tính vụ cam này riêng diện tích trồng theo phương pháp canh tác bón phân hữu cơ cho năng suất khoảng 8-10 tạ. “Trước đây gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trồng cam theo phương pháp truyền thống, bón phân theo kinh nghiệm chứ chưa có sự cân đối về lượng, việc tạo hình, tỉa cành cho vườn cây ít được chú trọng, cây thường bị sâu bệnh. Nay áp dụng phương pháp canh tác sử dụng phân bón hữu cơ đối với phần lớn diện tích vườn đòi hỏi việc chăm sóc tốn nhiều công hơn, bón phân phải tưới nước, tuân thủ kỹ thuật. Tuy vậy, sản phẩm thu được chất lượng hơn hẳn, quả cam có vị ngọt hơn, mọng nước, ruột vàng, quả to căng bóng, giá bán được cao hơn cam bình thường”, chị Duyên cho biết.

Vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là vùng chuyên canh cây cam tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Trị, với tổng diện tích gần 50 ha. Giống cam ở đây chủ yếu là giống Vân Du và Xã Đoài, được du nhập từ vùng chuyên canh cam nổi tiếng ở thành phố Vinh (Nghệ An). Năng suất cam bình quân từ 12-13 tấn/ha, giá bán tại vườn 18.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi gần 150 triệu đồng/ha. Tuy vậy, qua thực tế sản xuất của người dân cho thấy một số hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm như ở một số vườn cây, nguồn cung cấp cây giống không đảm bảo chất lượng, cây giống không sạch bệnh, không có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, giống không được chọn lọc, do đó năng suất và chất lượng không đồng đều, tuổi thọ của cây không cao. Công tác phòng trừ sâu bệnh thực hiện chưa đúng, vì vậy vườn cây bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại dẫn đến rụng quả hàng loạt, mẫu mã quả xấu. Những tồn tại trên dẫn đến một số vườn cam sinh trưởng kém, tán không cân đối, sâu bệnh hại nặng, năng suất thấp, giá trị kém do phải bán sớm, vườn cây suy thoái nhanh và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Xuất phát từ thực tế đó, đề tài khoa học “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” do thạc sĩ Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện trong thời gian hai năm (2018- 2019). Ngoài ra Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) Khu 4 và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng là 2 đơn vị phối hợp chính tham gia thực hiện đề tài, xây dựng mô hình, hội thảo, quảng bá kết quả của đề tài để nhân rộng mô hình. Nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát thực tế và lựa chọn vườn cây đang thời kỳ kinh doanh 5 năm tuổi của hộ chị Trần Thị Duyên làm mô hình thí điểm với diện tích 0,7 ha, tương đương 340 cây. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Đề tài ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nhằm phòng trừ sâu bệnh hại, tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm quả đảm bảo vệ sinh an toàn phục vụ người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và môi trường sống, nâng cao hiệu quả vườn cây cam, góp phần tăng diện tích, thu nhập cho người nông dân, tạo thêm hàng hóa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm quả sạch cung cấp cho thị trường. Qua kết quả bước đầu triển khai mô hình thí điểm cho thấy sản phẩm cam đạt năng suất, chất lượng hiệu quả”.

Theo tiến độ, thời gian tới nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình cây cam tại tỉnh Quảng Trị, xây dựng mô hình chăm sóc vườn cam thời kỳ kiến thiết cơ bản có áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tiết kiệm, mô hình vườn cam giai đoạn kinh doanh bón phân hữu cơ Ong Biển và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật phòng trừ một số sâu bệnh gây hại và nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Đồng thời tiến hành khảo nghiệm các loại thuốc BVTV trên toàn bộ diện tích trồng cam vùng K4, đưa ra quy trình trồng và chăm sóc cây cam tại tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu cuối cùng nhằm tạo ra sản phẩm cam đảm bảo an toàn thực phẩm, có đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ bao bì nhãn mác quảng bá thương hiệu cam K4 phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận, nâng cao giá trị thu nhập từ trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Thanh Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang