• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giá cam sành liên tiếp sụt giảm, người trồng lỗ nặng

Nguồn tin: VOV, 09/11/2018
Ngày cập nhật: 10/11/2018

Giá cam sành tại ĐBSCL liên tục sụt giảm khiến nhiều hộ trồng cam tại ĐBSCL điêu đứng. Hiện giá cam sành tại đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Sau cây mía, khoai lang, giờ người dân ĐBSCL lại tiếp tục điêu đứng vì cây cam sành khi giá thu mua trái liên tiếp sụt giảm. Nếu như những năm trước vào thời điểm này giá thu mua trái cam sành thấp nhất cũng ở mức 10.000 đồng/kg thì hiện chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Đây là giá bán thấp kỷ lục từ trước đến nay khiến nông dân thua lỗ nặng.

Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch trái cam sành, tuy nhiên nông dân ở tỉnh Hậu Giang không vui khi giá cam sành liên tiếp sụt giảm và rất ít thương lái tìm mua.

Nhiều vườn cam sành bị nông dân bỏ không thèm đầu tư, chăm sóc.

Ông Trần Hoàng Tân (ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) buồn rầu cho biết, ông có gần 5.000 m2 cam sành trồng được hơn 6 năm tuổi. Những năm trước, với năng suất ở mức 2- 2,5 tấn trái/công và bán được giá cao nên vườn cam cho ông lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay với giá cam như thế này, ông cầm chắc thua lỗ nặng.

"Ngày trước giá cả cam luôn khoảng hơn 20.000 đồng/kg, mấy năm sau vẫn còn trên 10.000 đồng/kg nhưng riêng năm nay thì xuống quá thấp chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ thua lỗ nặng không kể việc cây cam sành hiện nay có nhiều sâu bệnh” - ông Trần Hoàng Tân bày tỏ.

Vụ cam năm nay, ông Trần Hoàng Tân (ở huyện Châu Thành) thua lỗ do giá sụt giảm mạnh .

Những năm trước, khi cam sành có giá cao ngất ngưởng, nông dân ở Hậu Giang cũng như một số địa phương vùng ĐBSCL đã đổ xô trồng loại cây này. Do thiếu giống, nông dân phần lớn mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đến khi trồng, bà con còn để mật độ quá dày khoảng 500 cây/1.000m2, đồng thời còn sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để ép cây cho trái sớm. Theo đặc tính cây cam sành, sau 5 năm trồng mới cho trái ổn định. Nhưng thực tế, do muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cây cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái.

Ông Trần Hồng Đức - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, việc trồng cây cam sành ồ ạt, tự phát bất chấp khuyến cáo trồng theo quy hoạch của ngành chức năng và nhà khoa học dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh lây lan, trong đó có bệnh vàng lá gân xanh, hiện chưa có thuốc đặc trị.

Thực trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy do phần lớn nông dân trong những năm gần đây do phải tốn rất nhiều công sức, chi phí chăm sóc vườn cây. Với giá cam sành sụt giảm như hiện nay, nông dân lỗ nặng hơn các loại cây khác vì có nhiều hộ đã bỏ tiền đầu tư khá lớn cho cây cam sành.

Tỉnh Hậu Giang có hơn 37.000 ha cây ăn trái, trong đó cây có múi chiếm gần 17.000 ha, chủ yếu là cây cam sành tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và Thị xã Ngã Bảy.

Ông Nguyễn Văn Thọ ở huyện Phụng Hiệp phá bỏ vườn cam sành.

Với giá bán hiện nay, trừ hết chi phí mỗi công cam sành nhà vườn lỗ từ hơn 4 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng, tùy theo mức đầu tư. Giá cam sành bấp bênh, dịch bệnh trên cây cam sành bùng phát ngày càng nhiều, khiến cho nhiều nhà vườn trồng cam sành ở Hậu Giang chấp nhận bỏ vườn vì sợ đầu tư sẽ lỗ.

Ông Nguyễn Văn Thọ ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết, ông đang phá bỏ hơn 5.000 m2 cam sành để trồng cây khác.

"Thấy tiền thuốc tiền men, phân bón tốn quá nhiều tiền mà cam thì không có giá. Nhà vườn mình làm một năm có một lần mà nếu làm theo sợ không may người ta không mua thì mình thất bại, hết vốn” - ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Cam sành chưa có đầu ra ổn định chủ yếu bán cho thương lái.

Lâu nay, nhà vườn trồng cam sành tại ĐBSCL chưa có đầu mối bao tiêu ổn định, chủ yếu bán cho thương lái. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương trong vùng cần phải xem xét để có hướng quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng cam sành sao cho phù hợp.

Bên cạnh việc đầu tư giống sạch bệnh, trồng đúng kỹ thuật để hạn chế chi phí đầu tư, điều quan trọng nhất là bà con cần phải tìm đầu mối bao tiêu ổn định. Tránh tình trạng trồng cây chạy theo phong trào để đến khi cung vượt cầu thì lại vướng vào cái vòng lẩn quẩn trồng- chặt, chặt- trồng./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang