Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 24/4/2018
Ngày cập nhật:
27/4/2018
Theo tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm vùng đồi của huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), đang được đầu tư trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, ổi, dưa hấu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồi cây ăn quả tại xã Xuân Hòa.
Đến xã Xuân Hòa, men theo con đường đất gồ ghề, chúng tôi vào thăm đồi cây ăn quả của gia đình các anh: Chử Thanh Hải, Nguyễn Anh Xuân, Nguyễn Văn Trương, tại thôn 8 và đây đang được xem là mô hình điểm của huyện Như Xuân. Vốn là những người quê ở tỉnh Hưng Yên, do cái duyên với vùng đất Như Xuân, nên các anh đã chọn vùng đất xa xôi và còn nhiều gian khó này để làm nơi sinh nghiệp.
Trải lòng về quá trình lập nghiệp bằng việc phủ xanh vùng đồi nơi đây, anh Chử Thanh Hải chia sẻ: Việc quyết định đầu tư trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Như Xuân là cả một quá trình đấu tranh giữa đi và ở. Bởi trước đó, anh đã có một cơ ngơi trồng cam ở tỉnh Hòa Bình. Biết là khó khăn, mạo hiểm, song sự phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đồi ở xã Xuân Hòa đã thôi thúc anh và bạn bè gắn bó với vùng đất này. Và rồi, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền xã Xuân Hòa và UBND huyện Như Xuân, năm 2014, anh cùng những người bạn của mình đã thầu lại 8 ha đất trồng mía kém hiệu quả của các hộ dân ở thôn 8 để trồng 8.000 cây cam, bưởi các loại. Sau 2 năm, sự gian khó của các anh đã được đền đáp bằng những cây cam, bưởi trĩu quả, năng suất bình quân đạt từ 50 đến 70 kg/cây. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/1kg, 1 ha cam, bưởi cho doanh thu 500 triệu đồng/năm. Anh Hải cho biết thêm: Năng suất này có thể tăng thêm, nhưng để bảo đảm chất lượng quả và sự phát triển lâu dài, các anh không khai thác triệt để về năng suất mà chú trọng đến việc vừa khai thác vừa dưỡng cây. Cũng xuất phát từ yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững của đồi cây ăn quả, nên trên diện tích đã trồng đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương bán tự động được lấy từ các giếng khoan để vừa cung cấp nước, vừa rửa được sương muối, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trồng. Thành công từ những lứa quả đầu tiên đã thôi thúc các anh mở rộng thêm 7 ha. Hiện, kế bên vùng đồi cây ăn quả đã cho thu hoạch là những đồi cây ăn quả vừa được trồng mới, đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Mô hình trồng cây ăn quả tập trung trên vùng đồi của những vị khách đến từ tỉnh ngoài đã mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế vùng đồi cho các hộ dân xã Xuân Hòa. Học tập mô hình này, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển diện tích đất trồng mía hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả theo định hướng của xã. Đến nay, toàn xã có gần 40 hộ dân trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, với tổng diện tích hơn 100 ha.
Nếu cây ăn quả bén rễ với xã Xuân Hòa thông qua những vị khách, thì tại xã Hóa Quỳ, việc đưa cây ăn quả vào trồng và phát triển trên vùng đồi lại gắn với câu chuyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiên phong cho công tác này là những cán bộ xã trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm. Anh Lê Đình Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, cũng là chủ của vùng đồi rộng 2,7 ha được trồng các loại cây ăn quả, cho biết: Vào mùa khô, hầu hết các vùng đồi nơi đây đều trở nên khô hạn, nguồn nước tưới khó khăn, nhìn nhiều vùng đồi tiềm năng dần bị hoang hóa khiến đảng ủy, chính quyền không khỏi phiền lòng, trăn trở. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy tiềm năng vùng đồi, năm 2015, xã đã vận động, tuyên truyền để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại quả vào trồng trên vùng đất đồi. Để khuyến khích các hộ dân đưa cây ăn quả vào trồng, trong 2 năm từ 2015 đến 2017, xã đã thực hiện hỗ trợ các hộ trồng cây ăn quả 100% tiền giống cây bằng nguồn vốn từ Chương trình 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã có hơn 100 hộ dân được nhận hỗ trợ, với số tiền hỗ trợ khoảng 250 triệu đồng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, tính đến hết tháng 3-2018, toàn huyện Như Xuân có 826 ha cây ăn quả các loại; trong đó, diện tích được trồng tập trung là 236 ha (cam các loại 156 ha, bưởi các loại 78,5 ha, dưa hấu 120 ha...). Một số cây trồng hiện đạt doanh thu cao, như: Cam, bưởi đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, dưa hấu đạt 150 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Như Xuân đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm trồng mới từ 130-150 ha cây ăn quả. Với định hướng phát triển vùng cây ăn quả phải gắn với sự phát triển bền vững, huyện Như Xuân đã và đang hỗ trợ dân đầu tư thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Huyện cũng đã tổ chức một số chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số vùng trồng cam nổi tiếng, như: Cao Phong (Hòa Bình), Đoan Hùng (Phú Thọ) để cán bộ và nhân dân có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tăng cường công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với nông dân, nhằm hướng tới hiệu quả kinh tế, phát triển ổn định và bền vững.
Bài và ảnh: Hương Thơm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.