• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tân Phú Đông (Tiền Giang): Sau 10 năm diện tích cây mãng cầu Xiêm tăng lên gần 1.000 héc-ta

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 29/04/2018
Ngày cập nhật: 2/5/2018

Đến nay, qua 10 năm chuyển đổi, diện tích cây mãng cầu Xiêm tại huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) đã tăng lên gần 1.000 héc-ta. Trung bình mỗi héc-ta mãng cầu Xiêm nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất đạt từ 16 đến 18 tấn trái, lợi nhuận bình quân 220 triệu đồng/héc-ta/năm. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả nhờ gắn bó với cây trồng này.

Người dân tiếp tục chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm.

Trước đây, người dân huyện Tân Phú Đông chủ yếu gắn bó với cây lúa và cây dừa. Thế nhưng, từ khi thử nghiệm có hiệu quả cây mãng cầu Xiêm được ghép từ thân cây bình bát, các ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp và Hội Nông dân huyện đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm. Năm 2015, diện tích trồng mãng cầu Xiêm của huyện Tân Phú Đông khoảng 600 héc-ta, đến nay, diện tích tăng lên gần 1.000 héc-ta tập trung nhiều tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh... nhờ thị trường tiêu thụ lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao nên diện tích ngày càng tăng.

Trung bình, mỗi công đất trồng mãng cầu Xiêm có thể trồng khoảng 50 gốc tùy hộ dân, nếu chăm sóc tốt, sau 2 năm cây sẽ bắt đầu cho trái và từ 4 năm tuổi trở lên cho trái ổn định, nếu được xử lý đúng cách cây sẽ cho trái quanh năm. Mỗi công mãng cầu Xiêm có thể thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. Chính vì thế, gần 10 năm nay, vùng đất này cũng hạn chế được tình trạng nhiều hộ dân rời quê hương đi làm ăn ở những nơi khác, nhiều gia đình trở nên khá giả hơn.

Ông Võ Văn So, xã Tân Phú bộc bạch: "Hiệu quả kinh tế từ cây mãng cầu Xiêm rất cao, do được ghép từ thân cây bình bát nên trái rất sai, chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất 6 tháng khô hạn này. Có từ 3 công đất trồng mãng cầu Xiêm trở lên, nếu chăm sóc tốt, hàng năm thu lãi không dưới 100 triệu đồng. Nhiều gia đình trồng mãng cầu trúng mùa, được giá, có thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm là chuyện bình thường".

Ông Nguyễn Văn Tư, xã Tân Thạnh đang tích cực chăm sóc vườn mãng cầu Xiêm hơn 5 năm tuổi của gia đình, phấn khởi nói: "Vụ Tết hàng năm gia đình tôi ăn Tết sung túc nhờ giá mãng cầu Xiêm tăng cao, tuyển chọn những trái non, xấu bán chưng Tết, số lượng còn lại để ra giêng bán mãng cầu chín. Năm nay, mặc dù giá không cao như mọi năm, xấp xỉ 20.000 đồng/kg, nhưng với giá này thì bà con trồng mãng cầu cũng phấn khởi và có thể làm giàu được".

Với những hiệu quả mà cây mãng cầu Xiêm mang lại đã góp phần khẳng định vị thế của loại cây trồng này, đây được xem là cây trồng "xóa khó giảm nghèo" hiệu quả, bền vững hiện nay trên vùng đất cù lao.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ một cơ sở thu mua mãng cầu tại huyện Tân Phú Đông cho biết: "Hiện tại, mỗi ngày vựa của gia đình tôi thu mua không dưới 500kg mãng cầu, ngày cao điểm hơn 2 tấn, thị trường chủ yếu Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh... giá cả dao động từng ngày. Bên cạnh việc thu mua, cơ sở cũng giải quyết việc làm cho gần 10 lao động làm các công việc, như: Vận chuyển, phân loại, cân ký... mỗi ngày được trả 200.000 đồng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương".

Hiện tại, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Khuyến nông, các nơi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật... thực hiện chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cây giống và phân bón, kêu gọi các cơ sở chế biến về đầu tư để người dân tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, giữ vững sản lượng cây mãng cầu Xiêm.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông chia sẻ: "Với tiềm năng phát triển của loại cây trồng đặc trưng này thì ngành nông nghiệp chúng tôi luôn chú trọng đến đầu ra của trái mãng cầu. Hiện tại đã có cơ sở chế biến trà mãng cầu về đầu tư trên địa bàn huyện, dù quy mô chưa lớn nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng cho đầu ra của trái mãng cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu trái mãng cầu cho bà con nông dân, tránh bị ép giá trên thị trường."

Cao Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang