Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 01/05/2018
Ngày cập nhật:
3/5/2018
Vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 10 năm đàm phán, trái vú sữa Việt Nam được chấp nhận cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trong vụ vú sữa năm 2017, riêng Tiền Giang đã xuất được 73 tấn thông qua các doanh nghiệp được cấp mã Code là Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Đại Lâm Mộc...
Ông Hồ Văn Tuấn, ngụ xã Phú Phong đang chăm sóc vườn vú sữa
Lò Rèn Vĩnh Kim.
Trái vú sữa Việt Nam đường hoàng đi vào thị trường Mỹ đã mang lại niềm phấn khởi chung mà vui nhất là nông dân vùng chuyên canh tại Tiền Giang - nơi có diện tích trồng vú sữa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, nhờ xuất khẩu sang Mỹ, vú sữa có giá, người trồng hưởng lợi lớn.
Theo ông Huỳnh Văn Thọ, ngụ ấp Nam, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, canh tác 4.000m2 vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, vụ mùa vừa qua, giá vú sữa tăng mạnh, lúc cao điểm 28.000 đồng/kg, gấp ba lần vụ trước. Khi cuối vụ, tuy giá có giảm nhưng vẫn đạt 20.000 đồng/kg, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi hàng trăm triệu đồng/ha sau vụ thu hoạch, và là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Đối với ông Thọ, trong vụ sản xuất vừa qua, ông tham gia cung ứng hàng xuất khẩu, được Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường xác định vùng trồng và hợp đồng tiêu thụ nông sản, được cấp mã Code theo qui định. Doanh nghiệp và ngành chức năng đã tập huấn kỹ thuật canh tác, những qui định về chất lượng vú sữa nghiêm ngặt khi xuất khẩu sang Mỹ, kỹ thuật bao trái,...được bao tiêu với giá ổn định, có lãi. Lúc cao điểm, Công ty mua giá gần 30.000 đồng/kg, gia đình ông Thọ rất phấn khởi. Còn nếu tính bình quân cả vụ, giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, với sản lượng 6 tấn quả, gia đình ông thu trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Vụ mùa vừa xong, để chuẩn bị tốt cho vụ vú sữa xuất khẩu mới, hiện nay, ông Thọ đang đầu tư làm cỏ, sên vét ao mương vườn, tỉa cành tạo tán vú sữa và bón phân, chăm sóc để vườn sung mãn, tạo tiền đề giành vụ bội thu về năng suất và sản lượng, chất lượng. "Nông dân trồng vú sữa như chúng tôi phải tận dụng cơ hội có một không hai để nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh (!)" - ông Thọ nói.
Cũng theo ông Thọ, mỗi năm, vú sữa có một vụ và thường bắt đầu vào độ giáp Tết năm trước cho đến khoảng tháng 3 năm sau. Tháng tư, vú sữa đã gần dứt vụ, thời điểm này, bà con đang tất bật chăm sóc, vun phân tưới nước phục hồi cho vườn cây để chuẩn bị vụ sản xuất mới trong năm 2018. Tuy thu hoạch vừa xong, nhưng dư âm của vụ mùa ngọt ngào nhờ trái vú sữa rộng đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn còn rộn rã trong lòng những bà con vùng chuyên canh bao nhiêu đời nay gắn bó với trái cây đặc sản quê mình.
Ông Hồ Văn Tuấn, ngụ xã Phú Phong, huyện Châu Thành, trồng 1,1 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chuyên canh cho biết: "Khi hay tin trái vú sữa Việt Nam được Hoa Kỳ chấp nhận cho nhập khẩu chính ngạch, nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Trong năm đầu tiên, lượng quả xuất khẩu chưa nhiều nhưng tôi tin rằng các năm sắp tới, sản lượng sẽ còn tăng mạnh và mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá. Bản thân tôi sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng và doanh nghiệp tổ chức, hướng dẫn để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng trái vú sữa xuất khẩu theo yêu cầu của phía nhập khẩu, kiên quyết không để nông sản do mình làm ra gặp phải vấn đề về chất cấm làm mất uy tín trên thị trường(!)".
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, việc xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ mang lại cơ hội ngàn vàng cho trái vú sữa Tiền Giang thăng hoa. Để đón đầu cơ hội lớn "ngàn năm một thuở", tỉnh đã khẩn trương triển khai những công việc cấp bách trước mắt cũng như lâu dài nhằm bảo đảm xuất khẩu sang Mỹ đạt hiệu quả bền vững. Đó là phối hợp với các địa phương có diện tích trồng vú sữa tập trung lớn như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè,...xác định vùng trồng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II xem xét cấp mã số, đồng thời tăng cường tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa theo khoa học, không sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ cảnh báo dư lượng, đặc biệt là hoạt chất Carbendazim bị cấm sử dụng tại Mỹ, để nông dân biết và không sử dụng, thay thế bằng các loại thuốc sinh học cũng như chuyển giao kỹ thuật bao trái vú sữa...
Đến nay, nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đã xác định vùng trồng và được cấp mã Code, gồm: Công ty TNHH Đại Lâm Mộc (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ánh Dương Sao (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre)...
Qua đó, đã có 9 vùng trồng vú sữa ở các địa bàn trọng điểm tại Tiền Giang được xác định và cấp mã Code trên tổng diện tích hơn 120 ha. Ước tính, với năng suất bình quân khoảng 20 tấn, vùng trồng được cấp mã Code kể trên trong vụ tới cung ứng khoảng 4.000 tấn quả vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Đây là một tin rất vui và đầy hứa hẹn.
Theo ông Võ Văn Men, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhằm chuẩn bị chu đáo cho vụ xuất khẩu mới, Chi cục tiếp tục mở các lớp tập huấn cho nông dân vùng trồng về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc phục hồi vườn quả sau thu hoạch vụ vừa qua, bón phân và thâm canh để vú sữa vào vụ mới bội thu, năng suất và sản lượng cao; khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt qui trình canh tác, qui định về tiêu chuẩn, chất lượng trái vú sữa xuất khẩu sang Mỹ,... Bên cạnh đó, tiến tới thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh vú sữa gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng trái vú sữa nói chung và trái vú sữa xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói riêng không chỉ trong vụ thu hoạch tới mà cả trong những năm tiếp theo.
Ông Võ Văn Nam, nông dân canh tác 1 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, bày tỏ: "Vú sữa xuất khẩu vào Mỹ không chỉ mang lại cơ hội đổi đời cho nông dân mà còn đặt ra những thách thức mới. Để thích ứng, bà con phải thay đổi tư duy, thay đổi tập quán, chuyển đổi phương pháp để có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, an sinh xã hội đảm bảo".
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thấy được điều đó và để bảo đảm nguồn cung phục vụ xuất khẩu lâu dài, Tiền Giang quan tâm củng cố, duy trì và mở rộng diện tích vùng chuyên canh để được cấp mã Code, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng GAP đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc, gắn với cập nhật những yêu cầu nghiêm ngặt và những đòi hỏi mà nông dân phải đáp ứng nếu muốn trái vú sữa của mình đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ...
Về lâu dài, tỉnh đang triển khai mô hình quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa; xây dựng "Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim" với những nội dung trọng tâm: Đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, điều tiết nước tốt toàn vùng dự án, thiết kế lại hệ thống ao mương trong vườn cây cũng như mật độ trồng theo qui cách gắn với khảo sát gắn mã Code xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến,...Mục đích giúp nông dân thay đổi tư duy, thay đổi tập quán sản xuất đã lỗi thời, lạc hậu; tiến tới sản xuất sạch, để trái vú sữa Tiền Giang vươn ra biển lớn, hướng tới chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu không chỉ riêng thị trường Mỹ mà còn những khu vực khó tính khác trên khắp thế giới. Đó là định hướng chiến lược cho trái vú sữa cũng như những loại trái cây đặc sản khác của tỉnh Tiền Giang, như: Sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh, dứa (khóm),...
Được mệnh danh là "vương quốc trái cây" ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có trên 77.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hàng năm trên 1,3 triệu tấn trái cây các loại. Riêng về vú sữa, ở phía Nam, chỉ 3 tỉnh có diện tích trồng vú sữa tập trung lớn: Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ với qui mô khoảng 5.000 ha. Trong đó, Tiền Giang lớn nhất với khoảng 3.100 ha, tập trung tại huyện Châu Thành và các huyện lân cận với hai giống chủ lực: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và vú sữa nâu, sản lượng hàng năm khoảng 50.000 tấn. Đặc biệt, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là giống vú sữa đặc sản nổi tiếng của tỉnh, đã được cấp chỉ dẫn địa lý và khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Rõ ràng, tiềm năng vùng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang còn rất lớn và địa phương đang tận dụng cơ hội ngàn vàng khi trái vú sữa nước ta đang rộng đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ, để trái vú sữa thăng hoa, nông dân trồng vú sữa làm giàu, nông nghiệp - nông thôn đổi mới và đưa kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, căn cơ.
Minh Trí
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.