Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 06/05/2018
Ngày cập nhật:
8/5/2018
Phát huy thế mạnh của vùng đất nông nghiệp cộng với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, chính vì thế, trong những năm qua, nhiều nông dân của xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã vươn lên khá, giàu nhờ vào cây vú sữa.
Nông dân tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng chất lượng.
Theo nhiều chuyên gia Việt Nam về cây ăn quả, vú sữa là một trong những loại trái cây có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, sau 10 năm đàm phán thì vú sữa Việt Nam đã được chấp nhận cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho trái vú sữa. Đứng trước cơ hội này, nhiều nông dân trồng vú sữa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và trên địa bàn huyện Cai Lậy nói riêng hết sức phấn khởi. Đồng thời, bà con nông dân cũng phải trải qua những thách thức trong quá trình sản xuất để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Với bản tính cần cù, siêng năng và năng động, vào năm 2008, ông Lê Văn Năm, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 4 công đất trồng mận sang trồng vú sữa Lò Rèn và vú sữa nâu. Trong vụ sản xuất vừa qua, ông tham gia cung ứng hàng xuất khẩu, được Công ty TNHH Sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, giúp gia đình ông có lãi khá. Theo ông Năm, trước đây bà con chỉ quen canh tác theo kiểu truyền thống, rất đơn giản, không có bao trái, nhưng bây giờ để có trái vú sữa đẹp, ngon, chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình ông phải đầu tư công chăm sóc gấp nhiều lần, nhưng bù lại, trái vú sữa được Công ty ký hợp đồng thu mua với giá cao.
Ông Năm cho biết: "Theo tôi, cây vú sữa là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Như vụ mùa này vú sữa nhà tôi phát triển tốt, trái đẹp, chất lượng nên được Công ty mua với giá cao, gia đình tôi rất phấn khởi".
Cũng bén duyên với sản xuất nông nghiệp và sau thời gian tích góp, gia đình ông Lê Văn Mong, ngụ ấp Mỹ Hòa đã có được 7 công vườn trồng vú sữa Lò Rèn. Thời gian qua, ông đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng, năng suất vú sữa mang lại luôn đạt ở mức cao. Tuy nhiên, những năm trước đây, cũng giống như nhiều hộ trồng vú sữa khác, khi vào mùa thu hoạch, gia đình ông chỉ chờ thương lái đến thu mua, giá cả không ổn định. Thế nhưng, từ năm 2017, vú sữa nhà ông được Công ty Đại Lâm Mộc thu mua với giá ổn định, gia đình rất phấn khởi.
Ông Mong cho biết: "Khi hợp đồng với công ty thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì gia đình tôi đã chú trọng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa theo đúng quy trình hướng dẫn, không sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ đã cảnh báo".
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là thời gian gần đây do nhiều yếu tố tác động, trong đó có ảnh hưởng của thời tiết, ảnh hưởng của đợt hạn mặn nên một số diện tích cây vú sữa đã xảy ra nhiều chứng bệnh như khô cành, thối rễ..., một số nhà vườn đã đốn bỏ diện tích vú sữa để chuyển sang trồng loại cây ăn trái khác. Theo số liệu thống kê, đến nay, diện tích trồng vú sữa toàn xã Mỹ Long chỉ còn hơn 70 ha.
Chính vì thế, để duy trì chất lượng và khôi phục lại thế mạnh của cây vú sữa tại địa phương, ông Bùi Văn Trăn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết: "Hiện nay, cây vú sữa được xem là cây trồng chủ lực đứng thứ 2 của xã trong việc góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu vận động nông dân giữ vững 100 ha trồng vú sữa theo kế hoạch sản xuất đã đề ra thì cần có sự quan tâm liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo quy trình khép kín. Bởi thị trường Mỹ là thị trường khó tính nên đòi hỏi nông dân phải biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất".
Mong rằng, cây vú sữa trên vùng đất phía Nam của huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục được duy trì nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, giúp xã Mỹ Long thực hiện thành công tiêu chí Thu nhập và Hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Hùng Huy
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.