Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 10/05/2018
Ngày cập nhật:
13/5/2018
Sau 3 năm tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm, đề tài khoa học “Nghiên cứu cải tạo và phát triển một số giống hồng nhập nội bổ sung vào cơ cấu giống hồng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng” do nhóm nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã được Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả.
Hội đồng khoa học đã đánh giá đề tài đạt các mục tiêu nghiên cứu
Hồng là cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu cây ăn quả của Lâm Đồng nói chung và Lạc Dương nói riêng; tuy nhiên, tất cả các giống hồng trồng trên địa bàn tỉnh đều thuộc nhóm hồng chát, phải qua khâu xử lý sơ chế ngâm hoặc rấm (ủ chín) mới ăn được, điều đó là trở ngại lớn trong việc sản xuất hồng thương mại. Việc nghiên cứu, cải tạo và phát triển một số giống hồng giòn nhập nội, chất lượng tốt, bổ sung vào cơ cấu giống hồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế cho các vườn hồng bản địa tại huyện Lạc Dương và một số địa phương phụ cận như Đơn Dương, Đà Lạt đã được đặt ra. Trong đó, giống hồng giòn nhập nội “Fuyu và Jiro” thuộc nhóm hồng không chát được trồng nhiều ở các nước ôn đới và á nhiệt đới có dạng quả dẹt, hơi vuông, khi chín có màu vàng cam, thịt quả màu vàng sáng, ăn giòn, ngọt, không chát, bảo quản được lâu, có thể dùng ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến đã được chọn. Giống hồng này cũng có nhiều ưu điểm như chịu rét, chịu hạn tốt, có khả năng chống chịu sương muối và gió mùa, quả to, mẫu mã đẹp, thời gian chín kéo dài thuận tiện cho việc vận chuyển đi xa.
Trong thời gian 3 năm từ 2015 - 2017, nhóm 9 nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật đã tiến hành các nội dung: điều tra đánh giá thực trạng tình hình sản xuất cây hồng ăn trái tại Lạc Dương; nghiên cứu đánh giá tính thích ứng của một số giống hồng giòn nhập nội ghép trên giống hồng bản địa; hoàn thiện quy trình kỹ thuật ghép cải tạo và thâm canh giống hồng giòn nhập nội (1 ha); xây dựng 3 mô hình trình diễn ghép cải tạo giống hồng giòn nhập nội trên gốc hồng địa phương tại Lạc Dương và vùng phụ cận (Đà Lạt, Đơn Dương) với quy mô 0,5 ha/mô hình; chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo và thâm canh giống hồng mới cho 30 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và 120 nông dân tại vùng nghiên cứu. Kết quả cho thấy 2 giống hồng giòn nhập nội ghép thực sinh trên giống hồng địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Lâm Đồng - Lạc Dương. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn tiến hành nghiên cứu các loại sâu hại và thiên địch của các loài sâu hại trên cây hồng; các chế phẩm có nguồn gốc sinh học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học có khả năng phòng trừ các loại sâu bệnh hại.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cặn kẽ, thẳng thắn góp ý để hoàn thiện đề tài như: cần tiếp tục bổ sung thêm mật độ trồng chuyên canh và xen canh; đi sâu nghiên cứu thêm những loại bệnh trên 2 giống hồng nhập nội Fuyu và Jiro; hoàn thiện đầy đủ quy trình ghép, trồng và chăm sóc; theo dõi thêm hiệu quả sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cho ra trái, đánh giá hiệu quả kinh tế; xác định rõ thị trường tiêu thụ… 9/9 thành viên hội đồng nghiệm thu đã đánh giá kết quả đề tài nghiên cứu đạt yêu cầu, mục đích đề ra.
Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ mở ra một hướng đi mới cho cây hồng Lâm Đồng, những vườn hồng địa phương kém hiệu quả có thể cải tạo bằng giống hồng giòn nhập nội năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Là một địa phương phát triển du lịch, với giống hồng giòn không chát cho phép du khách hái ăn ngay tại vườn không qua khâu sơ chế (ủ rấm, ngâm), những vườn hồng giống mới có thể trở thành những điểm du lịch canh nông. Qua đó, thuận tiện trong việc quảng bá hình ảnh, nhận diện thương hiệu hồng giòn trồng tại Lâm Đồng. Từ đó, sẽ giảm thiểu tình trạng nhầm lẫn, đánh đồng giữa hồng Đà Lạt với các sản phẩm hồng nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay. Tuy nhiên, việc nhân rộng đại trà, hỗ trợ sản xuất, đưa ra thị trường, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho cây hồng giòn không chát… mới là kết quả cuối cùng của đề tài nghiên cứu - bà Võ Thị Hảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã khẳng định.
QUỲNH UYỂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.