Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 01/06/2018
Ngày cập nhật:
4/6/2018
Người dân gặp khó vì dừa bán chậm, trái lên mộng.
Được xem là thủ phủ dừa của cả nước, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre gần 70 ngàn héc-ta. Trong lúc giá dừa vẫn đang lao dốc chưa có điểm dừng thì đa số người nông dân phải cắn răng bán dừa với giá như cho, đời sống, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều nơi trong tỉnh, thương lái ngưng thu mua từ khoảng 1 tháng nay để “né” thua lỗ. Người dân càng hoang mang, xót xa nhìn dừa thu hoạch gom về không bán được.
Giá giảm theo... quy luật
Từ mức giá 12 ngàn đồng/trái vào năm 2017 được xem là quá lý tưởng, giờ dừa bỗng rớt giá còn 3,3 ngàn đồng/trái, đang khiến nhiều người dân xưa nay sống bám vào cây dừa lo lắng. Chị Huỳnh Thị Kim Liên, ở ấp Phú Lộc Thượng, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam chắc lưỡi: “Với 4.000m2 dừa nhưng tháng rồi, thu hoạch bán hết cũng chỉ được 1,5 triệu đồng mà nhà có 4 nhân khẩu”. Tương tự, đối với những hộ có diện tích khá từ 1ha thì cao lắm cũng chỉ thu được hơn 3 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đây là mức giá trung bình khá hiện nay trong toàn tỉnh. Những nơi chất lượng dừa chưa ổn định, hoặc trái kích cỡ nhỏ chỉ được mua với giá khoảng 2,3 - 2,5 ngàn đồng/trái. Điều này đang tạo áp lực cho người trồng dừa so với một số loại cây trồng khác và cả những hộ sản xuất, kinh doanh từ dừa.
Phân tích về giá dừa thấp bất thường hiện nay, ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Diễn biến giá dừa của tỉnh theo xu hướng chung của giá dừa thế giới. Qua thống kê số liệu hàng năm, giá dừa những tháng đầu năm đều giảm theo quy luật. Riêng những tháng đầu năm 2017, giá dừa tăng liên tục là do tình trạng hạn mặn nghiêm trọng xảy ra năm 2016 khiến sản lượng dừa sụt giảm, cung không đủ cầu nên giá dừa các tháng đầu năm tăng liên tục. Giá dừa các tháng đầu năm 2018 giảm cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo mức giá của Indonesia đang chào hàng với các doanh nghiệp (DN) chế biến dừa trong tỉnh chỉ với 2.000 đồng/trái, thấp hơn so với giá dừa tại tỉnh.
Ông Lê Văn Khê giải thích thêm, nhìn chung qua các năm trước và 2018, giá dừa có xu hướng không ổn định, theo diễn biến giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, đây là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo. Do đó, nhu cầu sản phẩm cơm dừa nạo sấy giảm, trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu dừa trái dồi dào, do vào mùa thu hoạch dừa của các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Các nguyên nhân nói trên tác động đến giá giảm theo quy luật cung cầu. Việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của các DN trong tỉnh gặp khó khăn.
“Phân tích ở góc độ khác, hiện nay, diện tích, sản lượng dừa của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% của thế giới. Tỉnh chiếm gần 50% sản lượng dừa cả nước. Do đó, việc tác động vào giá dừa khiến có sự chênh lệch giá tại địa phương cao hơn nhiều so với thế giới là khó có thể” - ông Khê nói.
Gần đây, giá dừa khô tăng cao và ổn định trở lại, cùng với cây dừa là cây thích ứng với biến đổi khí hậu nên diện tích trồng dừa có xu hướng tăng. Tổng sản lượng dừa toàn tỉnh quý I-2018 đạt 170 triệu trái, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Dự báo năm nay, tỉnh sẽ đạt sản lượng dừa 600 triệu trái, đạt mục tiêu sản lượng dừa của năm 2020.
Chia sẻ với người trồng dừa
Trước tình hình giá dừa sụt giảm, các tàu dừa Trung Quốc đã rút khỏi các sông trên địa bàn tỉnh từ khoảng 1 tháng nay. Toàn bộ sản lượng dừa thu hoạch đang đổ dồn vào các nhà máy chế biến trong tỉnh. Các điểm thu mua dừa, sơ chế cơm dừa cho các nhà máy đang rơi vào tình trạng quá tải và các nhà máy đang nỗ lực chạy hết công suất nhưng vẫn chưa tiêu thụ hết. Với mức giá dừa trái trong khu vực tầm 2.000 đồng trái, các nhà máy chế biến dừa trong tỉnh đang “gồng” sức để tiêu thụ dừa cho nông dân trong khả năng có thể, với giá thu mua chênh lệch cao hơn gấp đôi, tương đương trên 4,1 ngàn đồng/trái. Mặc dù các DN địa phương không thoát khỏi những khó khăn chung về thị trường dừa trên thế giới hiện nay nhưng cũng đã thể hiện tinh thần cộng đồng của DN và chia sẻ lợi ích với người trồng dừa. Đối với các DN sản xuất khác trong nước vẫn duy trì sản xuất và thu mua dừa cho nông dân, điều này góp phần nâng giá dừa tại tỉnh cao hơn so với mức giá chung của khu vực các nước trồng dừa, ít nhất 1.000 đồng/trái.
Ông Nguyễn Sĩ Liêm - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam cho biết, hiện nay, các tổ hợp tác trồng dừa đã ký kết hợp đồng với các DN như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu đều được thu mua với giá từ 50 - 60 ngàn đồng/chục. Nhìn chung, các DN đã thực hiện đúng cam kết với nông dân về mức giá sàn, cao hơn so với thị trường. Đối với những trường hợp chưa ký kết hợp đồng với DN thì hiện nay, các DN vẫn thu mua cho nông dân với giá 50 ngàn đồng/chục.
Giải pháp ổn định thị trường
Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: nhóm giải pháp ổn định thị trường dừa trong thời gian tới là xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị ngành hàng dừa, hỗ trợ DN phát triển thương hiệu sản phẩm dừa, nhằm thực hiện tạo đầu ra ổn định cho dừa trái; xây dựng các tổ nhóm liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa công nghiệp và dừa uống nước; phát triển Trung tâm dừa Đồng Gò thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển toàn diện cây dừa của quốc gia.
Sở sẽ sử dụng kinh phí khuyến công để hỗ trợ DN đầu tư theo quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 17/2015 của UBND tỉnh. Đồng thời, vận động DN tăng cường sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hướng tới, tỉnh sẽ không dừng lại ở các mặt hàng thực phẩm chế biến mà phát triển các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm có giá trị.
Hàng năm, sở hỗ trợ DN tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; các cuộc kết nối cung - cầu để DN tiếp xúc với khách hàng; vận động, hỗ trợ DN bổ sung gian hàng, đưa nhiều sản phẩm lên cửa hàng đặc sản dừa trong tỉnh.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.