Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/01/2018
Ngày cập nhật:
14/1/2018
Nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, từ giữa năm 2017, xã Hải Thái (huyện Gio Linh) chủ động liên kết với Tập đoàn Quế Lâm triển khai trồng thí điểm mô hình bưởi da xanh trên vùng gò đồi. Đây là loại nông sản có chất lượng, sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng.
Mô hình trồng bưởi da xanh shứa hẹn mang lại nhiều triển vọng
Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh cho biết, mặc dù có quỹ đất tự nhiên lớn (2.500 ha) nhưng trước đây, phần lớn diện tích đều thuộc quyền sở hữu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác nên diện tích đất thực tế của xã chỉ còn khoảng 1.400 ha. Từ năm 2016, thực hiện chủ trương sử dụng nguồn đất tập trung để phát triển kinh tế có hiệu quả, chính quyền địa phương tiến hành trao đổi đất với Công ty Cao su Quảng Trị theo hình thức “một đổi một” và nghiên cứu hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Giữa năm 2017, đại diện lãnh đạo huyện Gio Linh và xã Hải Thái đã vào Nhà máy sản xuất phân bón Quế Lâm Miền Trung (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thuộc tập đoàn Quế Lâm để liên hệ, liên kết về việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Qua quá trình khảo sát, phía tập đoàn tư vấn chọn trồng giống cây bưởi da xanh. Vì giống cây này thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Hải Thái và được nhiều người biết đến, ưa chuộng với vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ bóc. Nếu như trồng đúng cách thì cây bưởi da xanh sẽ cho sản lượng và chất lượng cao.
“Đây là mô hình thí điểm của địa phương hướng đến liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững để giúp người dân chủ động hơn trong canh tác, tìm kiếm thị trường và quảng bá thương hiệu nông sản. Muốn làm nông nghiệp hữu cơ bền vững thì phải có sự liên kết giữa “4 nhà”. Nếu cứ để người dân tự sản xuất theo hướng tự phát thì rất khó để phát triển. Khi có sự liên kết với doanh nghiệp thì từ khâu chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm đều được đảm bảo. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm canh tác, mở rộng sản xuất”, ông Anh cho biết thêm.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1970) ở thôn Phú n làm trang trại trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, nghệ… nhưng không mang lại hiệu quả vì gặp khó khăn về khâu tiêu thụ và kỹ thuật. Cuối năm 2017, chị Trinh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê 5 ha đất thuộc địa phận thôn 1B để làm trang trại. Sau khi nhận được thông tin khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây mới để phát triển kinh tế, chị và gia đình quyết định thuê đất để trồng cây bưởi da xanh. Để hoàn thiện trang trại, chị huy động được số vốn 4,8 tỷ đồng. Tập đoàn Quế Lâm cung cấp cho chị từ giống cây đến phân bón hữu cơ vi sinh, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Chị Trinh đầu tư vốn mua cây giống, phân bón, công sức và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, chỉ tay về phía những cây bưởi đang phát triển xanh tốt, xen dưới là hàng cây nghệ và cà gai leo, chị Trinh nói: “Trên diện tích 5 ha, tôi trồng cây bưởi da xanh theo phương thức hàng cách hàng 6 mét, cây cách cây 6 mét. Để lấy ngắn nuôi dài, khoảng đất trồng giữa 2 hàng được tôi tận dụng trồng xen cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ… còn khoảng đất trống giữa 2 cây thì tôi trồng xen cây ổi lê và ổi nữ hoàng (hay còn gọi là ổi ruột đỏ). Theo chu kỳ sinh trưởng của cây thì khoảng sau 3 năm sẽ cho thu bói và 4 năm sẽ thu hoạch đại trà. Chúng tôi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để trồng theo hình thức nông sản sạch, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh được họ cung cấp”. Để người dân yên tâm canh tác và giảm thiểu rủi ro, Tập đoàn Quế Lâm thường xuyên cử cán bộ nông nghiệp ra kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật cho chị Trinh. Nhờ đó, chị Trinh cùng gia đình yên tâm hơn trong việc sản xuất. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, hiện tại cây bưởi da xanh và ổi ruột đỏ đều sinh trưởng rất tốt. Nếu thuận lợi thì mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trao đổi về mô hình mới này, ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Mô hình trồng bưởi da xanh của chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh ở thôn Phú n là mô hình mới, áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, hướng đến sản xuất nông sản sạch. Các khâu từ nguồn giống, phân bón đều được doanh nghiệp cung cấp, kỹ thuật cũng được doanh nghiệp này hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm nên hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng. Phía huyện cũng đã tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho gia đình chị Trinh để giảm thiểu rủi ro trong canh tác. Nếu mô hình này đạt hiệu quả, phòng nông nghiệp sẽ tham mưu cho huyện nhân rộng, nhằm giúp người dân tiếp cận với phương thức canh tác mới, hướng đến sản xuất nông sản sạch, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn, qua đó giúp người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, ổn định kinh tế gia đình và góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Trần Tuyền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.