Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 9/6/2018
Ngày cập nhật:
12/6/2018
Mặc dù không phải là vùng trọng điểm, nhưng diện tích cây vải, nhãn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, năm nay vải, nhãn được mùa hơn so với mọi năm nhờ thời tiết thuận lợi.
Hơn 40 gốc vải của gia đình ông Đàm Chí Phúc, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) đều trĩu quả.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích vải toàn tỉnh hiện đạt 491 ha, trong đó Sơn Dương 168 ha, Yên Sơn 187 ha, Hàm Yên 75 ha... Diện tích cho sản phẩm là 480 ha, năng suất bình quân toàn tỉnh năm 2017 đạt 50,4 tạ/ha, sản lượng 2.421 tấn. Diện tích cây nhãn hiện đạt 1.006 ha, trong đó Sơn Dương 465 ha, Yên Sơn 368 ha, Chiêm Hóa 84 ha, thành phố Tuyên Quang 43 ha, Hàm Yên 33 ha... Giống chủ yếu là vải thiều 319 ha, chiếm 65% diện tích toàn vùng, vải chín sớm 128 ha, chiếm 26% diện tích, còn lại 44 ha trồng bằng giống cây thực sinh. Năm nay, mặc dù chưa tính toán được sản lượng vải, nhưng theo những người trồng vải, mỗi cây đều cho lượng quả cao gấp rưỡi, gấp đôi so với vụ trước.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đội Bình (Yên Sơn) cho biết: Trước đây, Đội Bình đã quy hoạch được một vùng trồng vải diện tích trên 54 ha, tuy nhiên, theo thời gian, diện tích này bị phá bỏ dần. Hiện chỉ còn một số gia đình còn giữ được những vườn vải trên 20 năm, diện tích vải toàn xã hiện xấp xỉ 2-3 ha. Năm nay, qua rà soát của xã, hầu hết các hộ trồng vải đều được mùa.
Trồng vải hơn 20 năm nay, nhưng chưa năm nào vườn vải gia đình ông Đàm Chí Phúc, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình sai quả như năm nay. Ông Phúc dự tính, mỗi cây vải cho thu từ 1 tạ đến 1,5 tạ quả. Giống vải chủ yếu gia đình ông trồng là vải thiều lấy giống từ Lục Ngạn (Bắc Giang). Thời điểm đầu vụ, giá bán vải của gia đình ông đạt đến 20 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, sau khi đến vụ chín rộ, giá đã giảm 1 nửa, chỉ còn 10 nghìn đồng/kg. Ông Phúc không bán buôn mà chọn cách bán lẻ tại các chợ quê, chợ phiên để tránh bị ép giá.
Bà Đặng Thị Mai, tổ 3, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chọn cách bán lẻ để giữ giá vải.
Bà Đặng Thị Mai, tổ 3, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có hơn chục gốc vải, không giấu được niềm vui khi năm nay mỗi cây đều trĩu quả hơn rất nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, bà Mai cho biết, vì được mùa nên giá bán cũng giảm thấp hơn, nếu năm trước giá bán tại vườn đạt trên 13 nghìn đồng/kg, thì năm nay giá bán buôn tại vườn đã giảm xuống gần 1 nửa, chỉ còn từ 6 đến 8 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ là 10 nghìn đồng/kg.
Không chỉ cây vải, theo ngành Nông nghiệp, mùa nhãn năm nay cũng dự báo năng suất quả đạt cao so với năm ngoái. Diện tích nhãn toàn tỉnh hiện đạt trên 1.000 ha, nhiều nhất là Sơn Dương 465 ha, Yên Sơn 368 ha, còn lại rải rác tại các địa phương. Xã Thượng Ấm (Sơn Dương) hiện có gần chục ha nhãn, tập trung tại 2 thôn Đồng Ván, Hàm Ếch. Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết, do thời tiết thuận lợi, tỷ lệ nhãn ra hoa đạt đến 95% nên năng suất dự kiến tăng cao so với mọi năm. Tại một số vườn, tiểu thương đã đến đặt mua với giá khoảng 6-7 nghìn đồng/kg nhãn thường, 20 nghìn đồng/kg nhãn ngon. Tuy nhiên, theo ông Thắng, do năng suất tăng, lo ngại về đầu ra, nên một số bà con trong xã đã đầu tư 3-4 lò sấy long nhãn để thu mua những quả có mẫu mã thấp.
Giống như Thượng Ấm, để chủ động đầu ra cho sản phẩm nhãn của địa phương, người dân ở Vinh Quang (Chiêm Hóa) cũng đã xây dựng 68 lò sấy long nhãn để chủ động đầu ra khi giá bán quả tươi xuống thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến giá vải, nhãn bấp bênh là do phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, trên địa bàn tỉnh cũng chưa hình thành được vùng sản xuất vải, nhãn an toàn nào đáp ứng được nhu cầu xuất bán vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Câu chuyện “được mùa mất giá” luôn là nỗi lo canh cánh đối với bà con nông dân, để tránh được vòng luẩn quẩn này, thì việc làm chủ công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến các loại quả này phải được tính toán lâu dài. Thêm vào đó, nông dân thiếu thông tin thị trường, sản xuất không theo hợp đồng từ đầu vụ và luôn đứng trước nguy cơ được mùa mất giá, dễ bị tư thương ép giá ngay tại các điểm thu mua trong vùng.
Bài, ảnh: Trần Liên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.