Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 13/06/2018
Ngày cập nhật:
15/6/2018
Huyện Sông Lô có hơn 400 ha vải thiều, thuộc các xã Đồng Thịnh, Nhạo Sơn, Tân Lập, Yên Thạch, Vĩnh Phúc. Nếu như những năm trước, vải thiều được đánh giá là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, thì trong mùa vải năm nay, khi chưa kịp mừng vì vải được mùa, người trồng vải lại canh cánh nỗi lo về tình trạng vải thiều rớt giá mạnh.
Nông dân xã Đồng Thịnh (Sông Lô) thu hoạch vải thiều. Ảnh: Dương Chung
Xã Đồng Thịnh là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn, với gần 90ha, chiếm gần 50% sản lượng vải thiều toàn huyện. Vốn là vùng trồng vải lâu năm nên bà con nông dân rất giàu kinh nghiệm trong trồng và thâm canh cây vải.
Anh Nguyễn Đức Thọ, thôn Vạn Thắng cho biết: “Gia đình tôi trồng vải thiều từ những năm 1990. Trước đây, số hộ trồng vải thiều còn ít, vì vậy, quả vải bán ra thị trường rất được giá.
Khi nhận thấy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, nhiều hộ đã nhân giống và phát triển cây vải với diện tích lớn; có thời điểm, diện tích trồng vải trên toàn xã lên tới hơn 100 ha.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, do người dân trồng ồ ạt, sản lượng thu hoạch lớn, đầu ra không ổn định nên giá vải thiều bán ra thị trường có xu hướng giảm mạnh.
Đặc biệt, mùa vải năm nay, vào thời điểm chính vụ, giá vải thiều bán buôn chỉ dao động từ 6 - 8 nghìn đồng/kg; thậm chí, vải thiều của nhiều hộ đang vào độ chín rộ nhưng rất khó tiêu thụ.
Những năm trước, đa phần thương lái đến thu mua tận vườn, nhưng năm nay, do giá thấp, khó tiêu thụ, nên phần lớn người nông dân phải tự đi bán lẻ tại các chợ. Việc thu hoạch vải thiều khá vất vả và tốn nhiều công chăm sóc, vì vậy, nếu giá bán thấp thì thu nhập từ cây vải mang lại chẳng được là bao”.
Anh Dương Hải Đông, cán bộ phụ trách Địa chính - Môi trường và Nông nghiệp xã Đồng Thịnh chia sẻ: "Vải thiều giá đã thấp lại thêm những tin đồn thất thiệt về việc quả vải đổ đống không có người mua, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Nếu như trước kia, trên địa bàn xã không ít hộ dân trồng thâm canh cây vải, thì khoảng 2 năm trở lại đây, một diện tích lớn trồng vải đã bị chặt bỏ, thay vào đó là một số loại cây ăn quả khác như bưởi, na...
Dù chất lượng vải Đồng Thịnh luôn được đánh giá là thơm, ngọt, mọng nước, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng Đồng Thịnh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho cây vải. Chính quyền xã cũng đã có phương án tìm thương lái chuyên thu mua vải nhằm ổn định đầu ra của sản phẩm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được".
Bà Trịnh Thị Bình, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Lô cho rằng, sở dĩ vải thiều rớt giá mạnh là do người nông dân trồng vải ồ ạt theo phong trào; sản lượng quá lớn, trong khi đầu ra lại chưa vững chắc.
Trên thực tế, hiện nay, chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, vì vậy, nông dân trên địa bàn huyện vẫn trồng vải theo hướng tự phát, tự bao tiêu sản phẩm, nên phụ thuộc lớn vào giá cả và nhu cầu của thị trường.
Mặc dù Sông Lô là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho cây vải thiều phát triển, tuy nhiên, do kỹ thuật và kinh nghiệm trồng thâm canh của bà con còn hạn chế nên phần lớnquả vải bé, mẫu mã xấu, thường bị sâu đầu cuống.
Đây là những nguyên nhân khiến vải thiều Sông Lô khó tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và gây khó khăn trong việc cạnh tranh với những vùng trồng vải có tiếng như Bắc Giang, Hải Dương. Đây không phải là lần đầu tiên nông dân huyện Sông Lô rơi vào tình trạng “vải được mùa, mất giá” và phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Để không phải loay hoay tìm đầu ra cho nông sản, bà con nông dân cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong việc trồng cây gì, nuôi con gì; đồng thời, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Quỳnh Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.