Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 15/06/2018
Ngày cập nhật:
16/6/2018
Hình thành vùng sầu riêng công nghệ cao ở huyện Ðạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) giúp trái cây đặc sản này phát triển bền vững, đời sống người dân được nâng cao vượt bậc.
Việc áp dụng công nghệ cao trên cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Văn Tám. Ảnh: H.Y
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phước Trung (xã Phước Lộc) có 5 ha sầu riêng trong đó có 1 ha ứng dụng theo hướng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, ông đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến từ khâu chọn giống đến đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm của gia đình ông đã được bao tiêu nên đầu ra khá ổn định. Chính vì thế mà năm nào ông cũng thu trên trăm triệu đồng. Ông cho biết: Khi ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng đã tiết kiệm cho gia đình từ 17,5 - 19,7 triệu đồng/ha/năm tiền công lao động và từ 2,1 - 2,9 triệu đồng/ha/năm tiền nhiên liệu. Đã vậy ông còn chủ động hoàn toàn thời gian xử lý/phun xịt (vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nắng gắt, hoặc mưa kéo dài), hạn chế việc phụ thuộc vào công lao động thuê ngoài. Vừa rồi tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Phước Lộc có đi tham quan mô hình trồng sầu riêng ở Thái Lan, nhìn cách họ chăm sóc cũng như áp dụng KHKT vào sản xuất thật sự rất chuyên nghiệp.... nên ông đã học tập để áp dụng. Năm qua, mô hình có 130 cây sầu riêng/1 ha cho thu hoạch ổn định với năng suất đạt 15,2 tấn/ha, doanh thu đạt 684 triệu đồng và sau khi trừ chi phí 124,57 triệu đồng (đã bao gồm cả chiết khấu hệ thống tưới, đầu tư phân thuốc...) lợi nhuận đạt 559 triệu đồng. Năm 2018, ngoài diện tích 1 ha đã đầu tư gia đình ông Tám đầu tư thêm 1 ha ứng dụng mô hình liên hợp. Năng suất đạt 25 tấn/2 ha, với giá bán bình quân đạt 50.000 đồng/kg có doanh thu đạt gần 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt gần 1,1 tỷ đồng/2 ha.
Tương tự, hộ ông Phan Quang Thực, thôn Phước Trung (xã Phước Lộc) cũng thực hiện 0,7 ha sầu riêng Monthong công nghệ cao. Qua đó, ông đầu tư hệ thống đồng bộ về công nghệ tưới nước - bón phân - phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tự động trên cây sầu riêng. Năm 2017, thu hoạch được 8,5 tấn (với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg) doanh thu được 340 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt 260 triệu đồng. Tính bình quân doanh thu 371,42 triệu đồng/ha.
Theo UBND huyện, sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở Đạ Huoai bắt đầu phát triển từ năm 2014, hiện nay toàn huyện có 327 ha sầu riêng công nghệ cao trong đó có 327 ha ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động; đã có 3 mô hình (1,7 ha) áp dụng đồng bộ công nghệ tưới phun tự động kết hợp bón phân và phòng trừ sâu bệnh tự động điều khiển bằng Smartphone. Diện tích sử dụng các giống mới như Chín Hóa, MonThong, Ri6, Dona đạt 1.817 ha; có 1.400 ha ứng dụng công nghệ phun thuốc tự động và bán tự động. Đặc biệt, huyện Đạ Huoai đã xây dựng và được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” với diện tích 38 ha và nhiều diện tích sản xuất sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng trong hai năm qua, huyện Đạ Huoai đã hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cho 67,2 ha sầu riêng (30 hộ) theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho nông dân và trong năm 2018 hỗ trợ chứng nhận cho 94 ha (55 hộ) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện tại, giá trị sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở Đạ Huoai đạt trung bình 730 triệu đồng/ha, cao hơn 2,4 lần so với sản xuất truyền thống 300 triệu đồng/ha/năm.
Mai này vùng sầu riêng công nghệ cao
Hiện nay, Đạ Huoai đang canh tác trên 2.000 ha sầu riêng; trong đó, có hơn 1.800 ha sầu riêng ghép chất lượng cao và gần 940 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Năng suất sầu riêng ở đây đạt trên 9 tấn/ha và sản lượng hằng năm đạt hơn 8.500 tấn. Qua phân tích, nếu như 1 ha điều cho thu nhập từ 75 - 85 triệu đồng, 1 ha cao su là 45 - 50 triệu đồng, thì 1 ha sầu riêng cho doanh thu 500 - 900 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, toàn huyện có trên 250 ha sầu riêng cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên, giá trị sản xuất đạt 152,3 tỷ đồng, chiếm 32% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Trịnh Xuân Thủy cho biết: “Khi nhận thấy sầu riêng có khả năng mang lại giá trị kinh tế lớn, UBND huyện đã chủ động quy hoạch vùng trồng sầu riêng 1.800 ha; giúp nông dân chuyển đổi, ghép từ sầu riêng hạt sang các loại sầu riêng chất lượng cao như Cơm vàng hạt lép, Monthong, Ri6… Từ chủ trương và chính sách của huyện cùng với sự nỗ lực của người dân đã mang lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, lâu nay, sản xuất sầu riêng của Đạ Huoai vẫn ở quy mô gia đình, thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Bởi vậy, mỗi khi đến mùa vụ, vẫn có tình trạng tư thương ép giá, chất lượng sản phẩm trái sầu riêng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, công tác chế biến, bảo quản trái sầu riêng sau thu hoạch cũng còn nhiều hạn chế. Thị trường sầu riêng hiện nay đang lẫn lộn, giữa hàng được đóng mác tiêu chuẩn với hàng bình thường do bà con trồng thu hoạch không có sự chênh nhau về giá, trong khi đó việc đăng ký thương hiệu, việc sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGAP lại gặp nhiều rắc rối về thủ tục cũng như công sức đầu tư, tốn kém cả về vật chất.
Trước những yêu cầu từ thực tiễn, huyện Đạ Huoai đã xúc tiến xây dựng quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai” để qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng. Hiện tại, huyện Đạ Huoai có 38 ha sầu riêng VietGAP của 15 hộ nông dân. Ông Trịnh Xuân Thủy cho biết thêm: “Huyện đã lập bộ quy chuẩn để người trồng sầu riêng biết và áp dụng. Từ năm 2017, “Sầu riêng Đạ Huoai” đã chính thức có mặt trên thị trường”.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, việc ứng dụng mô hình, làm thúc đẩy chuyển biến phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật thâm canh, ứng dụng công nghệ cao cho cây sầu riêng, làm giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công trong khâu chăm sóc, giải phóng sức lao động trực tiếp với thuốc BVTV, từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp. Hệ thống liên hợp dễ lắp đặt, dễ vận hành và nhân rộng sẽ tạo ra mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trong khâu chăm sóc thâm canh cây sầu riêng. Qua đó, thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Giai đoạn 2018 - 2020, hình thành và công nhận vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở huyện Đạ Huoai, trong đó 100% diện tích sử dụng các giống sầu riêng ghép; 100% diện tích ứng dụng công nghệ tưới tự động (phun mưa và tưới nhỏ giọt) và sử dụng thuốc BVTV theo công nghệ tự động và bán tự động, ứng dụng công nghệ bón phân qua hệ thống tưới. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Đạ Huoai phát triển thêm 880 ha sầu riêng sản xuất theo hướng công nghệ cao. Từ đây, giúp trái cây đặc sản này phát triển bền vững hơn.
HOÀNG YÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.