Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 21/06/2018
Ngày cập nhật:
22/6/2018
Hiện nay, đang bắt đầu vào chính vụ dứa, tuy nhiên giá dứa trên thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng, chỉ chưa đầy 2.000 đồng/1kg. Giá thấp, thương lái còn không thu mua đã khiến người trồng dứa rơi vào cảnh lao đao, thậm chí, nhiều nhà đành phải chấp nhận để dứa chín thối ngoài đồng.
Thu hoạch dứa tại xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp).
Xã Quang Sơn, một trong những vùng trồng dứa trọng điểm của thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Cây dứa trước nay vẫn được coi là cây trồng cho giá trị cao và ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, giá dứa lên xuống không ổn định, đặc biệt thời điểm hiện tại quả dứa chỉ bán được ở mức 2 nghìn đồng/1kg, thấp hơn giá thành làm ra khoảng 1 nghìn đồng/kg, thậm chí thương lái còn không thu mua khiến người nông dân lao đao.
Gia đình ông Đinh Đức Thược, thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) có 1 ha dứa chuẩn bị cho thu hoạch, sản lượng dự kiến sẽ vào khoảng 40 tấn. Ông Thược đã gọi cho vài thương lái nhưng đến nay vẫn chưa có ai vào xem để mua cả.
“Cây dứa từ khi trồng đến thu hoạch mất tới 18 tháng, bên cạnh đó chi phí giống, vốn, công lao động bỏ ra rất nhiều. Sơ bộ 1 ha phải đầu tư khoảng 140-150 triệu đồng, bao gồm 35 triệu đồng tiền giống, 45 triệu đồng tiền phân bón, nilon, 14 triệu đồng tiền công trồng, ngoài ra còn công làm cỏ, xử lý, bó quả, thu hoạch…
Như vậy, tính ra giá thành 1 kg dứa sẽ vào khoảng 3 nghìn đồng. Trong khi đó, giá dứa hiện tại chỉ còn 2 nghìn đồng/1kg loại 1, đã vậy lại còn khó bán, gọi mãi mà cũng chẳng có thương lái nào ngó ngàng đến. Gia đình đang rất lo, nắng nóng thế này, dứa chín rất nhanh, chỉ khoảng 1 tuần là vàng rực cả đồng nếu không bán được thì coi như mất trắng”, ông Thược cho biết.
Anh Nguyễn Mạnh Long, thôn Tân Nhuận chia sẻ thêm: “Gia đình có 0,5 ha dứa đang chín, may hôm nay mời được thương lái vào mua nhưng họ trả có 2 nghìn đồng/kg mà chọn kỹ lắm, quả dưới 1 kg, quả vẹo, nứt, trám dứt khoát không lấy.
Chẳng bù cho năm ngoái dứa 7.500-8.000 đồng/1kg, thương lái tranh nhau mua, chẳng nhấc lên bỏ xuống như bây giờ”. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều nông dân khác cũng bày tỏ sự lo lắng bởi hiện tại mới là đầu vụ dứa, khoảng tháng 7 dứa mới chín rộ, sản lượng toàn vùng sẽ vô cùng lớn, khi đó không biết thị trường sẽ còn sụt giảm thế nào. Họ chỉ mong bán được đồng nào hay đồng đấy để gỡ lại chút vốn.
Giá dứa xuống thấp, tưởng chừng chỉ có nông dân vất vả nhưng ngay cả những thương lái buôn dứa cũng rất chật vật. “Buôn dứa 20 năm nay rồi nhưng chưa bao giờ khổ như năm nay. Người trồng dứa kéo xe thồ chở dứa đi bán khắp các đầu đường, ngõ chợ với giá 10 nghìn đồng cho 5-7 quả dứa thì hỏi dân buôn bọn em bán làm sao lại. Bữa trước 1 ngày bán cả mấy tấn dứa, nay chỉ vài tạ mà phải đi sang tận các tỉnh Thái Bình, Nam Định mới bán được”, một thương lái cho biết.
Nhận định về nguyên nhân giá dứa xuống thấp, thương lái này cho rằng: Hiện nay, các nhà máy chế biến nước ép và các sản phẩm từ dứa không ký được hợp đồng xuất khẩu, sản xuất cầm chừng. Dứa bà con trồng ra không vào được nhà máy, bán tươi ra ngoài thị trường, người dân ăn sao xuể, thế nên ế.
Theo lãnh đạo xã Quang Sơn thì trên địa bàn xã thì chia làm 2 khu vực sản xuất, một khu vực thuộc vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, xã chỉ quản lý về con người còn việc sản xuất thì do Công ty quản lý; khu vực còn lại có 5 thôn với diện tích canh tác khoảng 200 ha, chủ yếu trồng dứa và chè xanh, do đầu ra ổn định nên nông dân không ký hợp đồng liên kết sản xuất với nhà máy mà tự tiêu thụ bên ngoài.
Tuy nhiên, bước vào năm 2018 này, giá dứa liên tục sụt giảm, việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã phải bỏ dứa chín thối ở ngoài đồng vì không tìm được người thu mua, có hộ đã lỗ tới hàng trăm triệu đồng. Thống kê 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã mới chỉ đạt trên 30% kế hoạch năm cũng bởi giá dứa xuống thấp.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.