Nguồn tin: Báo Công Thương, 28/07/2018
Ngày cập nhật:
30/7/2018
Đợt mưa kéo dài hơn 10 ngày đã “cuốn” đi hàng trăm tấn dưa hấu hắc mỹ nhân sắp đến ngày thu hoạch của người dân thôn Trường Định (tỉnh Đà Nẵng). Gần 30ha dưa hấu bị úng nước, nông dân gần như mất trắng.
Các quả dưa hấu sắp đến ngày thu hoạch bị úng nước nằm la liệt trên cánh đồng rộng gần 30ha
Chú Nguyễn Công Sơn (68 tuổi) là một trong số 97 hộ trồng dưa hấu tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng). Hưởng ứng sự khuyến khích của địa phương, chú Sơn cũng tham gia trồng 4 sào dưa hấu sau khi vụ lúa thu hoạch xong. Chỉ tay xuống đồng, chú Sơn cho biết nếu trời không mưa thì bây giờ đã có thể bắt đầu thu hoạch những trái dưa già, chín đầu tiên. “Người tính không bằng trời tính, lúc 1 giờ sáng chú ra đồng còn khô nước, đến 3h sáng đã ngập cả cánh đồng. Dưa hấu ngâm nước 1 ngày đã thối nói gì đến 3 ngày nước mới rút, bỏ hết thôi. Giờ gốc nào còn tươi thì ráng bón xem có vớt vát cho nó sống lại hay không, bón phân đạm loãng thôi, nếu mà tươi lại thì bón thêm lần nữa.”
Theo chú Sơn, mỗi sào dưa bà con bỏ ra chi phí khoảng hơn 1 triệu đồng. Nếu đạt năng suất mỗi sào dưa cho thu hoạch hơn 1 tấn dưa quả, với giá bán buôn từ 3.500 đến 5.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí mỗi sào dưa người trồng lời được khoảng 2 triệu. “Nhưng tùy thời tiết, đã 2 năm nay dưa mất mùa, cứ đến gần ngày thu hoạch lại mưa lớn, năm trước (2017) ráng lại vốn, năm nay thì gần như mất trắng”.
Lượng dưa vớt vát được, cô Cường phải dựng chòi bán lẻ bên đường vì không có thương lái thu mua
May mắn hơn 1 chút, hộ gia đình chú Hồ Mười (60 tuổi) còn thu lại được khoảng 20% lượng dưa, dù chưa đủ vốn nhưng “đỡ đồng nào hay đồng nấy”. Gia đình chú Hồ Mười là một trong những hộ gia đình có thâm niên trồng dưa lâu nhất trong thôn với 7 năm kinh nghiệm. Chú Mười cho biết trồng dưa cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa, thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn (từ 55 đến 60 ngày).
“7 năm thì cũng có năm được năm mất, trồng dưa cũng vất vả hơn trồng lúa nhiều, nhưng trồng được mùa mình cũng ham nên cũng cố gắng làm”- chú Mười chia sẻ. Gia đình chú trồng 1 mẫu dưa thì 6 sào dưa gần đến ngày thu hoạch bị úng nước do đợt mưa kéo dài gần như mất trắng, nhưng bù lại 4 sào trên này mới ra quả, nếu thuận thời tiết và chăm sóc tốt thì chỉ bỏ đi lứa quả “bói” thì vẫn kịp thu hoạch dưa đúng Rằm Tháng 7. “Chỉ một vài hộ may mắn trồng muộn thì còn nuôi hi vọng thôi, 10 người thì 9 người mất trắng, nghề này nó vậy, phải chịu thôi chứ sao giờ.” - chú Mười nói.
Ngồi cạnh đống dưa nhỏ ven đường, cô Mai Thị Cường (58 tuổi) vừa xếp lại đống dưa vừa nói: “Mọi năm được mùa thì thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay mất mùa, dưa úng nước hư hại gần hết, còn lại một ít thương lái cũng chẳng thu mua, mà nếu có cũng “ép giá” dữ lắm”. Cô Cường trồng 5 sào dưa, bỏ ra gần 6 triệu tiền vốn, chưa tính công, mưa xuống, gần 6 tấn dưa chuẩn bị thu hoạch úng thối, bỏ đi. “2 năm nay mất mùa, trồng dưa thì úng thối, nuôi tôm thì tôm chết, riết rồi không biết làm cái gì mà ăn”.
Chú Mười hi vọng sẽ thu hồi lại được vốn ở 4 sào dưa trồng muộn
Mô hình trồng xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ dưa tại thôn Trường Định bắt đầu thí điểm từ năm 2013. Đến nay, toàn thôn có 97 hộ tham gia trồng dưa hấu trên diện tích gần 30 hecta. Những năm bắt đầu thí điểm mô hình mang lại hiệu quả tích cực nhờ thời tiết thuận lợi, đầu vào (giống) có địa phương hỗ trợ, đầu ra có thương lái thu mua, dù giá có thời điểm cao – thấp nhưng người dân vẫn có thu nhập. Tuy nhiên, năm 2 trở lại đây, thời tiết thất thường, mưa lớn kéo dài khiến hàng trăm tấn dưa sắp đến ngày thu hoạch bị úng thối, người dân chỉ biết đứng nhìn mồ hôi, nước mắt của mình “đổ sông, đổ biển”.
Ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho biết, các hộ trồng dưa ở thôn Trường Định đều được các chuyên gia của Sở Nông nghiệp PTNT Đà Nẵng về tập huấn trồng dưa sạch. Dự định của lãnh đạo xã năm 2018 sẽ đề xuất để được cấp nhãn hiệu VietGAP, tuy nhiên, kế hoạch này sẽ phải hoãn lại do tình trạng mất mùa.
“Với tỷ lệ ngập úng và thiệt hại từ 80%, Hội một mặt động viên bà con gắng thu về những trái dưa còn chưa hư hỏng để bán giảm bớt thiệt hại, một mặt đề xuất lên chính quyền hỗ trợ cho người dân để mùa sau bà con có động lực hơn để tiếp tục trồng”- ông Xuân cho hay.
Được biết, năm 2017, sau khi khảo sát tình hình khó khăn của các hộ trồng dưa, huyện Hòa Vang đã hỗ trợ một phần kinh phí để bà con tiếp tục sản xuất.
Vũ Lê
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.