• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Góc nhìn, đánh giá, đề xuất cho ngành tôm nuôi Việt Nam

Nguồn tin: Vasep, 23/11/2018
Ngày cập nhật: 6/12/2018

Để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho các sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước đối thủ, việc phân tích tình hình, đánh giá tác động và tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới phát triển bền vững của ngành tôm là hết sức trọng. Ban biên tập Portal VASEP xin giới thiệu bài tham luận “Góc nhìn, đánh giá, đề xuất cho ngành Tôm nuôi Việt Nam” của ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Tôm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú dưới đây tại Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam”. Đối thoại bàn tròn do Tổng cục Thủy sản, Bộ NN & PTNT phối hợp với VASEP và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 22/11/2018 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Các yếu tố khách quan ảnh hưởng thị trường tôm năm 2018

Thời tiết đầu năm 2018 không thuận lợi, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tiêu thụ tôm giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao.

Trung Quốc siết chặt lại vấn đề tôm XK đường tiểu ngạch qua biên giới, do vậy tôm từ Ấn Độ, Ecuador Indonesia…không nhập được đường tiểu ngạch vào Trung Quốc làm hàng tồn kho của các nước này tăng đáng cao.

Nhu cầu mua tôm những tháng đầu năm thường thấp và khách hàng có tâm lý đợi giá tôm giảm “đến giá đáy” mới mua vào.

Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Việt Nam… đang vào vụ thu hoạch, người nuôi tôm muốn bán được tôm và các nhà máy chế biến cũng muốn bán được hàng nên giá tôm trên thị trường giảm.

Khi không bán được hàng thì người bán tiếp tục giảm giá để bán được hàng và với tình hình như vậy đã tạo ra tâm lý tiếp tục chờ giá giảm, trong đó giá ở các thị trường Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam giảm liên tục. Giá nguyên liệu giảm, người nuôi lo giá sẽ giảm nữa và sẽ lỗ nên thu hoạch sớm.

Trước đây, thường người nuôi sẽ thu hoạch tôm khi đạt size 30 – 50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên phần lớn người nuôi đã thu hoạch đồng loạt sớm khi tôm nuôi đạt size 70 - 100con/kg. Với lượng tôm có size nhỏ như vậy và thu hoạch đồng loạt làm cho nguồn cung ở 1 size rất cao, cộng với năng suất chế biến ở các nhà máy hạn chế nên dư thừa nguyên liệu dẫn đến áp lực về cung vượt cầu làm cho giá tôm trong tháng 4 đến đầu tháng 5 giảm hơn 20% và xấp xỉ chạm mốc giảm 30%.

Với giá mua tôm nguyên liệu các tháng đầu năm rẻ, kích thích tiêu dùng nhưng người nuôi tôm tại các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… bị lỗ và họ treo ao không nuôi tiếp.

Nhìn chung, tình hình nuôi tôm 6 tháng đầu năm 2018 của các nước trong khu vực tăng trưởng tốt, nhất là Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam… với mức tăng trưởng trên 10% năng suất nhưng mức tiêu thụ đầu năm giảm, dẫn đến nguồn cung vượt cầu, kéo theo giá tôm 6 tháng đầu năm 2018 giảm liên tục và ở mức thấp hơn giá tôm của năm 2017 khoảng 20%.

Bước vào vụ hè năm 2018, người nuôi tôm hạn chế thả nuôi vì giá tôm nguyên liệu thấp và chi phí sản xuất tăng trong nửa đầu năm 2018 khiến nhiều người nuôi thua lỗ. Giá tôm thế giới ổn định và tăng từ cuối tháng 7 khiến người nuôi tôm tăng cường thả nuôi cho vụ đông. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch tôm dự đoán vẫn thấp hơn nhu cầu của các nhà chế biến nên về cuối năm giá tôm tăng do cung thấp hơn cầu.

Các yếu tố nội tại ảnh hưởng đến thị trường tôm

Thứ nhất là về chi phí kiểm dư lượng kháng sinh. Các thị trường XK lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu … kiểm soát rất gắt gao về vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Để kiểm soát được vấn đề về kháng sinh, Minh Phú đã và đang phải đầu tư các phòng lab kiểm kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân là 10 tỷ/phòng lab và chi phí kiểm kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6 nghìn đồng, quy ra 1kg thành phẩm tốn khoảng 9 nghìn đồng, như vậy làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác.

Thứ hai là về màu sắc tôm. Hiện nay, các thị trường khi họ nhập khẩu tôm thì họ rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm từ các quốc gia khác.

Thứ ba là về size/cỡ tôm khi thu hoạch. Người nông dân thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30 – 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn lại hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm tôm nuôi vì nguồn cung không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Khi người nuôi thu hoạch đồng loạt, tập trung ở cùng một size thì size đó dư thừa trong khi các size khác không có, dẫn đến thị trường “thiếu mà thừa”, dẫn đến giá tôm của size “thừa” thì giảm, trong khi các size khác lại không có để bán.

Trên thực tế, các thị trường đều có nhu cầu mạnh và đa dạng các size khác nhau. Tiêu biểu các size được ưa chuộng là: 20 – 30 con/kg; 40 – 60 con/kg, 60 - 80 con/kg…

Các thị trường Châu Âu và thị trường Nhật Bản chuộng các size nhỏ. Do vậy nếu chỉ nuôi 1 size thì rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm khách hàng.

Các giải pháp cho ngành tôm Việt Nam

Giải pháp theo quy trình công nghệ 234 - Minh Phú

Trong quá trình nuôi – chế biến và XK tôm, Minh Phú đã và đang hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm 234. Với quy trình công nghệ này, vừa mang lại hiệu quả cho người nuôi, vừa nâng cao hiệu quả trong sản xuất đối với các nhà máy/đơn vị chế biến và đặc biệt tăng tính cạnh tranh của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam đối với các quốc gia khác.

Với quy trình công nghệ nuôi 234, số 2 nghĩa là nuôi 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: dèo tôm trong ao dèo đường kính 17,2m trong thời gian 25-30 ngày.

Giai đoạn 2: nuôi tôm trong ao nuôi đường kính 32m trong 70-80 ngày.

Số 3 có nghĩa là thu tỉa 3 lần:

Thu tỉa lần 1: khi tôm nuôi được 60-65 ngày tuổi, thu tỉa 50% lượng tôm nuôi trong ao, trọng lượng bình quân đạt 65-70con/kg.

Thu tỉa lần 2: khi tôm nuôi được 80-85 ngày tuổi, thu tỉa 50% lượng tôm trong ao, trọng lượng bình quân đạt 40-45con/kg.

Lần 3: thu hết lượng tôm trong ao khi tôm nuôi được 110 -115 ngày tuổi, trọng lượng bình quân đạt 20-25con/kg

Số 4 có nghĩa là 4 Sạch: Con giống sạch bệnh, Nguồn nước nuôi sạch, Sạch kháng sinh, Sạch môi trường.

Giải pháp cải thiện màu sắc tôm nuôi.

Thứ nhất, áp dụng kỹ thuật nuôi:

Sử dụng nước biển nuôi tôm có độ mặt từ 25‰ trở lên sẽ tạo ra lợi thế:

Màu sắc đỏ đẹp;

Tôm nuôi có hương vị ngon;

Tạo sự khác biệt cho sản phẩm;

Tạo sự cạnh tranh, đa dạng cho sản phẩm;

Và đáp ứng các yêu cầu khắc khe của khách hàng.

Thứ hai, sử dụng Astaxanthin để tạo màu sắc cho tôm:

Đối với những khu vực mà độ mặn nguồn nước dưới 25‰, thì sử dụng Astaxanthin để tạo màu sắc cho tôm nuôi.

Một số quốc gia họ sử dụng Astaxanthin trộn vào thức ăn để tăng màu sắc cho tôm, hay quy trình nuôi tôm gây tảo tạo màu sắc xám đen cho tôm nuôi khi thu hoach.

Tuy nhiên, vấn đề về tạo màu sắc cho tôm nuôi có sử dụng Astaxanthin cần được nghiên cứu thêm để tạo ra được Astaxanthin có nguồn gốc hữu cơ để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Kim Thu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang