• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Thọ: Hướng đi mới cho chăn nuôi phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 05/11/2019
Ngày cập nhật: 8/11/2019

Trang trại chăn nuôi gà sạch của bà Nguyễn Ngọc Lan, khu 1, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì.

Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ đã từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ... với sự tham gia của nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi còn bộc lộ một số hạn chế như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ trọng cao nên khó kiểm soát về dịch bệnh và môi trường. Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn… Kiểm soát xử lý môi trường chưa thường xuyên nên ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng. Năng suất hiệu quả chăn nuôi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu liên kết, chưa tạo dựng được thương hiệu, đầu ra không ổn định, chủ yếu bán sản phẩm thô cho thương lái, giá thành sản xuất khá cao, sức cạnh tranh kém. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát và lây lan trên địa bàn 63/63 tỉnh, thành; trên địa bàn tỉnh đến tháng 9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 216 xã thuộc 13/13 huyện, làm trên 50 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Bệnh hiện chưa có vác xin và phác đồ điều trị hiệu quả nên đã gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi cũng như ngân sách Nhà nước và làm cho sản xuất chăn nuôi lợn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Song qua đó, là dịp để chúng ta nhìn nhận lại, có định hướng mới cho sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Vậy, hướng đi nào để chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường. Để làm được điều này sản xuất chăn nuôi của tỉnh cần tập trung.

Xác định vật nuôi chủ lực, đặc trưng thế mạnh của tỉnh; thận trọng trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Trước diễn biến phức tạp của DTLCP có nhiều quan điểm cho rằng cần giảm chăn nuôi lợn chuyển đổi sang chăn nuôi bò thịt và các vật nuôi khác... Tuy nhiên chúng ta cần xác định rõ và thận trọng về quan điểm này, bởi có 2 lý do: (1) Mục tiêu sản xuất là để phục vụ nhu cầu thị trường, bám theo nguyên lý cung cầu, mà hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn chiếm trên 70% cơ cấu sử dụng thịt các loại, thịt lợn là nhu cầu hàng ngày trong cơ cấu bữa ăn của người dân; (2) Trước biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay thì việc xuất hiện các bệnh mới hoặc các bệnh cũ nhưng có những biến chủng mới rất có thể sẽ xảy ra thường xuyên và trên các đối tượng vật nuôi; thực tế trong giai đoạn gần đây bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng... virut có biến chủng mới, có độc lực cao, phác đồ điều trị cũ không hiệu quả, đã gây chết hàng loạt vật nuôi..... nên trong thời gian tới chúng ta không thể khẳng định được là đối với con bò, con gà hoặc các vật nuôi khác thì sẽ không có dịch bệnh tương tự như bệnh DTLCP... Vì vậy, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề phức tạp về dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Từ những lý do trên đối với Phú Thọ trong thời gian tới cần xác định vật nuôi chủ lực theo thứ tự ưu tiên là: Con lợn, gà, bò và các loại vật nuôi đặc trưng như gà nhiều cựa; dê; vịt; thỏ... tại các vùng có tiềm năng, lợi thế. Đối với chăn nuôi lợn định hướng phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín từ lợn nái sinh sản đến lợn thịt, chủ động sản xuất con giống tại chỗ.

Dự kiến năm 2020, phát triển đàn lợn đạt 730 nghìn con (lợn nái 86,5 nghìn con); đàn gia cầm đạt 14,9 triệu con (gà 13 triệu con); đàn bò đạt 117,04 nghìn con; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 175,6 nghìn tấn. Sản lượng trứng đạt 430 triệu quả. Đến năm 2025 dự kiến đàn lợn đạt khoảng 860 nghìn con, đàn gia cầm 15 triệu con, đàn bò 117 nghìn con. Sản lượng trứng đạt 430 triệu quả. Tập trung ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, giảm giá thành sản xuất nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại chăn nuôi: Chuồng lạnh, chuồng kín, tự động hóa các công đoạn chăm sóc nuôi dưỡng (cho ăn, cho uống, phòng bệnh…) để giảm chi phí nhân công, nâng cao năng năng suất, chất lượng... giảm giá thành sản xuất. Sử dụng máy móc, thiết bị và các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập từ sản phẩm phụ của chăn nuôi (máy tách, ép phân, bể bioga, đệm lót sinh học, nuôi giun...).

Áp dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn để tăng tỷ lệ tiêu hóa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ để tự phối trộn thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng các loại thức ăn thảo dược, chế phẩm sinh học trong khẩu phẩn ăn của vật nuôi, giúp nâng cao sức đề kháng, giảm dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển vùng trồng cỏ thâm canh tại các địa phương có quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn sinh học (phải có biện pháp kiểm soát được người và phương tiện ra vào trang trại, kiểm soát được vật chủ trung gian; thức ăn, nước uống và nước sử dụng trong chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không nhiễm mầm bệnh; định kỳ hàng ngày, hàng tuần thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, vật tư, dụng cụ chăn nuôi…; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin và thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho đàn vật nuôi,...).

Khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện theo quy định, hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt và sản phẩm từ thịt,...

Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc bằng tem gắn mã QRCode; thông tin, giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở nhằm sớm phát hiện dịch bệnh, có biện pháp bao vây xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan rộng; áp dụng các biện pháp KHKT vào công tác chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh. Chủ động tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi. Xác định doanh nghiệp có vai trò đầu tầu, là chủ trì thúc đẩy tổ chức liên kết sản xuất với người nông dân theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2020, triển khai ít nhất 4-5 liên kết sản xuất chăn nuôi tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba.

Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực đầu tư sản xuất theo quy hoạch nhằm phát triển chăn nuôi tập trung, tăng quy mô tạo ra số lượng sản phẩm lớn, gắn với thị trường tiêu thụ tạo sự ổn định cho đầu ra và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi theo hướng giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng tỷ lệ chăn nuôi tập trung. Năm 2020, tổng đàn lợn chăn nuôi tập trung đạt 55,4% (tăng 7,7%); tổng đàn gà chăn nuôi tập trung đạt 28,1% (tăng 4,4%) tổng đàn bò chăn nuôi tập trung đạt 6,7% (tăng 2%). Đến năm 2025, dự kiến tăng tỷ lệ tổng đàn vật nuôi theo phương thức chăn nuôi tập trung (đàn lợn trung bình 5%/năm, đàn gà 4%/năm, đàn bò 3%/năm).

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tạo sự chủ động cho người chăn nuôi, đồng thời giảm chi phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động liên quan đến chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y. Đẩy mạnh công tác dự tính dự báo về thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường về sản lượng và chất lượng. Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, tăng tỷ lệ chăn nuôi quy mô trang trại, dừng hoạt động hoặc yêu cầu các trang trại di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ban hành quy định về điều kiện để quản lý hoạt động chăn nuôi.

Tổ chức thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước dừng hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi tự phát, không đảm bảo điều kiện theo quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên hy vọng chăn nuôi tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh... sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Từ Anh Sơn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang