Nguồn tin: Báo Thái Bình, 11/11/2019
Ngày cập nhật:
13/11/2019
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ được xã Xuân Hòa (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chú trọng.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Phạm Văn Khoa.
Gia đình ông Phạm Văn Khoa, thôn Thanh Bản 1 là một trong những hộ chăn nuôi số lượng gia súc, gia cầm nhiều ở xã Xuân Hòa và cũng chính từ chăn nuôi mà 8 năm nay gia đình ông có cuộc sống khá giả. Ông Khoa cho biết: Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là thách thức đối với nông dân. Bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Ý thức được điều này, ngay từ ngày khởi nghiệp, tôi đặc biệt quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường. Chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó phân vật nuôi được thu gom bán lại cho các hộ nông dân tận dụng để bón cây, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể biogas xử lý rồi mới xả ra môi trường. Ngoài ra, xung quanh trang trại, gia đình còn trồng các loại cây xanh, tạo không gian xanh thoáng mát. Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, trên 3 tấn lợn các loại bị bệnh phải tiêu hủy, gia đình ông Khoa tập trung đẩy mạnh phát triển những con vật nuôi khác mà từ trước tới giờ gia đình vẫn nuôi rất ổn định như gà, vịt thương phẩm và lấy trứng, chim bồ câu với số lượng gần 10.000 con. Ngoài ra, gia đình ông mạnh dạn đưa bò thương phẩm và bò đực giống vào nuôi với số lượng 20 con. Mặc dù mới nuôi bò nhưng với tính cần cù, chịu khó lại ham tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò qua những người chăn nuôi quy mô lớn, ông Khoa nhanh chóng nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hướng an toàn, dự kiến đến tết Nguyên đán sẽ xuất bán. Theo ông Khoa, nếu giá cả ổn định như hiện nay sau khi trừ chi phí mỗi con bò thương phẩm lãi 5 - 7 triệu đồng.
Còn đối với gia đình ông Đỗ Duy Hiền, thôn Phương Tảo 2, sau khi 6 con lợn nái, 40 con lợn thịt bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã tập trung làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi bảo đảm sạch sẽ, giảm thiểu tình trạng xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh. Đồng thời, chuyển hướng đầu tư từ chăn nuôi lợn sang nuôi trên 200 con ngan. Ông Hiền cho biết: Đến nay gia đình đã xuất bán 2 lứa ngan thương phẩm, hiện đang chuẩn bị tái đàn lợn phục vụ thị trường sau tết Nguyên đán.
Là xã duyên giang, Xuân Hòa có 3km đê sông Trà Lý, đây là điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi của xã phát triển. Hiện toàn xã có 7 trang trại, 63 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Hà Văn Cường, Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định phát triển chăn nuôi gắn với BVMT. Một trong những giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng các hầm biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các đoàn thể trong xã đẩy mạnh tuyên truyền tới người chăn nuôi những lợi ích của hầm biogas như BVMT quanh khu dân cư, chất thải gia súc sau khi ủ sẽ được dùng để bón cho cây trồng, đặc biệt là giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí mua chất đốt phục vụ đời sống hàng ngày. Qua đó, hầu hết người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô đều tự xây dựng hầm biogas. Xã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, việc triển khai mô hình xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu vực dân cư được xã quyết tâm thực hiện. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và triển khai hiệu quả mô hình này, xã đã giao Hội Nông dân và các đoàn thể tiến hành truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh; chỉ đạo các đoàn thể, đoàn viên, hội viên và nhân dân tăng cường công tác vệ sinh môi trường; tổ chức cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với BVMT, thời gian tới, xã Xuân Hòa sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn gắn với BVMT; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Đức Dũng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.