Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 13/11/2019
Ngày cập nhật:
16/11/2019
Là một cựu chiến binh năng động, ông Vũ Xuân Thọ ở khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi vịt và lợn sang chăn nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi thỏ là nghề còn khá mới mẻ đối với nông dân thị trấn Thanh Nê nói chung và ở khu Cộng Hòa nói riêng. Khi hỏi về nghề này, ông Thọ chia sẻ, việc nuôi vịt, lợn đã rất quen thuộc với bà con nông dân nhưng cũng nhiều rủi ro vì dịch bệnh và đầu ra không ổn định. Qua nghiên cứu sách báo và tham quan mô hình nuôi thỏ ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy việc nuôi thỏ chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đầu ra thuận lợi và giá trị kinh tế cao nên quyết định chuyển đổi sang chăn nuôi thỏ.
Với số vốn ban đầu còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên ông Thọ chỉ đầu tư 20 cặp thỏ trắng giống New Zealand để lấy giống và cung cấp thỏ thịt. Ban đầu, ông tự tìm tòi và học hỏi trên sách báo để chăm sóc và chữa trị khi thỏ bị bệnh. Qua một năm nuôi thử, ông đã theo dõi sát sao để tự đúc rút kinh nghiệm cho mình. Từ năm thứ hai, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại và nhân thêm giống. Hiện nay quy mô trang trại của ông đã lên tới hàng nghìn con, trong đó luôn duy trì hơn 140 con thỏ cái.
Với 140 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con; sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại thỏ của ông để thu mua. Hàng tháng ông xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông lãi 15 - 20 triệu đồng.
Theo ông Thọ, để thỏ sinh trưởng phát triển tốt, người nuôi cần chú trọng phòng bệnh cho thỏ, tiêm vắc-xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn nhằm tăng sức đề kháng. Chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50cm và có lắp hệ thống máng uống nước tự động. Đặc biệt lưu ý trong nuôi thỏ vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch đảm bảo là rất quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: nấm, ghẻ, tiêu chảy,… Do đó, khi bắt tay vào nuôi gia đình ông đã tận dụng toàn bộ chất thải của thỏ làm thức ăn cho giun quế. Cũng nhờ cách nuôi giun quế bên dưới chuồng nuôi thỏ đã tiết kiệm được khá nhiều công vệ sinh chuồng trại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập từ nuôi giun quế.
Khu chuồng nuôi thỏ kết hợp nuôi giun của gia đình ông Vũ Xuân Thọ
Không chỉ bằng nghị lực, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, ông Thọ còn luôn nhiệt tình hướng dẫn những người chăn nuôi có cùng sở thích phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại này. Ông thực sự là tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phạm Thị Thúy An - Trung tâm Khuyến nông Thái Bình
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.