Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 17/11/2019
Ngày cập nhật:
18/11/2019
Trong khi giá thịt heo tăng mạnh, thậm chí “tiệm cận” giá thịt bò; giá gà công nghiệp tại Đồng Nai - thủ phủ nuôi gà cả nước - vẫn đứng ở mức thấp, chỉ vừa trở lại mức hòa vốn sau khi rơi xuống mức chỉ bằng một nửa giá thành chăn nuôi. Vì sao?
Công nhân giao gà cho thương lái - Ảnh: A LỘC
Nhiều người chăn nuôi gà khẳng định giá gà giảm sâu là do nguồn gà đông lạnh nhập về nhiều, trong khi cơ quan chức năng cho rằng nguồn cung tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến giá gà giảm sâu, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng.
Ngừng nuôi, đóng trại
Ông Nguyễn Văn Khánh (chủ trang trại gà lông trắng ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết đã nuôi gà gần chục năm nhưng chưa năm nào giá gà bấp bênh như năm nay.
Lứa gà xuất bán mới nhất của ông chỉ có giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 23.500 đồng/kg. Với tổng đàn gần 80.000 con, lứa này ông Khánh lỗ hơn trăm triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, điện, nước...
Nhưng với giá gà xuất bán trước đó với giá chỉ từ 16.000-18.000 đồng/kg, ông Khánh cho rằng mình đã may mắn giảm lỗ so với lứa gà xuất chuồng của đợt trước nữa, đồng thời cho biết đang tính chuyện tạm ngưng nuôi gà để "nghe ngóng" vì chẳng biết có tiếp tục thua lỗ nữa hay không.
Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi có gà xuất chuồng vào trung tuần tháng 9-2019 vừa qua, khi giá chỉ 12.000 đồng/kg, thấp 10.000-11.000 đồng/kg so với giá thành chăn nuôi, đều bị lỗ nặng và không gượng dậy được. Nhiều hộ nuôi gà phải đóng trại, ngừng chăn nuôi vì cạn vốn.
Ông Lê Mạnh Cường, chủ trại gà 120.000 con ở huyện Tân Phú, cho biết đã "may mắn" vì nuôi gia công, theo hợp đồng được ký kết từ trước.
"Con giống, thức ăn và giá thu mua cố định nên gia đình tui không bị ảnh hưởng nhiều như nhiều hộ chăn nuôi khác, khi giá gà trắng xuất chuồng chỉ còn 12.000 đồng/kg" - ông Cường cho biết.
Những hộ chăn nuôi gia công không bị ảnh hưởng nhiều nhưng chính những công ty chăn nuôi đầu tư cho người dân nuôi gà đã lâm vào cảnh điêu đứng khi giá gà đứng ở mức thấp trong một thời gian dài.
"Gà đông lạnh nhập về nhiều với giá khá thấp nên gà nuôi trong nước cạnh tranh không lại" - ông Nguyễn Thanh Minh (chủ một trang trại gà tại Tân Phú, Đồng Nai) nói. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, VN đã nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu thịt gà tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch.
Ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai - cũng cho rằng lượng gà nhập về nhiều trong khi số lượng tổng đàn gà tăng nhanh, riêng tổng đàn gà của Đồng Nai đã tăng khoảng 3 triệu con (từ 21 lên 24 triệu con) so với thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra khiến cho giá gà giảm sâu.
Phải kiểm soát nhập thịt gà
Theo ông Quang, dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng, với số lượng heo bị tiêu hủy khá lớn (hơn 5,7 triệu con tính đến hết tháng 10-2019), khiến cho giá heo tăng cao nên ngành nông nghiệp và các địa phương chủ trương phát triển một số vật nuôi khác, trong đó có gà để bù đắp cho lượng heo thiếu hụt. Tuy nhiên, nhiều người dân dồn vô nuôi gà sẽ dẫn đến cung vượt cầu, làm ảnh hưởng tới giá.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết tính đến hết tháng 10, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. "Do đó, người dân cần phải tỉnh táo, việc tăng đàn cần phải gắn trong chuỗi liên kết, có đầu vô đầu ra thì mới ổn định được" - ông Quang khuyến cáo.
Lãnh đạo một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng người chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh không bình đẳng với thịt nhập khẩu. Không chỉ vì tại các nước xuất khẩu thịt gà tự chủ được nguồn nguyên liệu nên giá thành thấp hơn mà còn bởi nhiều quốc gia vẫn cho sử dụng chất ractopamine để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó, tại VN cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi.
"Nếu nông dân VN bị cấm sử dụng chất tạo nạc ractopamine thì không có lý do gì lại cho nhập khẩu thịt từ các nước được sử dụng chất này trong chăn nuôi" - vị này nói.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, lượng thịt gà nhập khẩu tăng gần 50% trong thời gian qua là một vấn đề lớn với ngành chăn nuôi trong nước. Bởi các cơ quan quản lý không có những biện pháp điều tiết lượng nhập khẩu để cân đối với nguồn cung trong nước và cung cầu tiêu thụ.
Do đó, trong khi nguồn cung trong nước tăng rất mạnh, lượng thịt gà nhập khẩu cũng ồ ạt về làm ảnh hưởng đến giá trong nước.
"Nói gà nhập khẩu về nhiều vì giá rẻ là không hết bản chất vấn đề. Thời gian qua giá gà trong nước giảm rất thấp mà gà nhập khẩu vẫn tăng, đó là do khâu kiểm soát của chúng ta còn dễ quá" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong khi VN dễ dàng mở cửa cho thịt nhập, doanh nghiệp VN lại gặp rất nhiều khó khăn với hàng rào kỹ thuật khi xuất bán thịt gà cho nước ngoài, thường phải chuẩn bị từ 3-5 năm với rất nhiều quy trình khắt khe.
"Mỗi đơn hàng xuất khẩu đi phải tiến hành lấy mẫu phân tích an toàn thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng. Nếu thịt nhập khẩu cũng được kiểm soát chặt chẽ như thế, lượng nhập về chắc chắn sẽ không tăng mạnh như thời gian qua" - ông Hùng khẳng định.
Nhập thịt gà không tác động lớn đến ngành chăn nuôi?
Việc nhập khẩu thịt gà thời gian qua dù có tác động nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, theo khẳng định của Bộ Công thương trong một thông báo được phát hành vào ngày 29-10.
Dù thừa nhận trong 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại (tăng 49% so với cùng kỳ) với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD (tăng 46%) nhưng Bộ Công thương cho rằng nguồn cung thịt gia cầm trong nước cũng tăng khá nhanh.
Tính đến hết tháng 9-2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong khi tỉ lệ này trong giai đoạn 2015-2018 là 5,6%. Riêng quý 3-2019 đã tăng 19,2%.
Riêng tại Đồng Nai, tính đến hết tháng 9-2019, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh này đạt hơn 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4-2019. Giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ đã giảm 30% so với cùng kỳ, do các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ.
A LỘC - TRẦN MẠNH - N.AN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.