• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi gà đen bản địa – món ‘hời’ của người vùng cao

Nguồn tin: VOV, 19/11/2019
Ngày cập nhật: 20/11/2019

Với mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, mô hình nuôi gà đen (gà H Mông) bản địa đang được nhiều hộ gia đình ở Lao Cai đẩy mạnh giúp phát triển kinh tế.

Giống gà đen bản địa ở vùng cao Lào Cai (còn được mọi người biết đến là gà H Mông) là giống gà quý hiếm, chất lượng bậc nhất ở nước ta. Song song với việc bảo tồn, quá trình phát triển giống gà này ngay tại địa phương đã cho thấy không cần phải nhìn đâu xa, chính những người đồng bào thiểu số ở vùng cao, là chủ nhân của giống gà này hoàn toàn có thể làm giàu từ nó.

Sinh ra tại mảnh đất vùng cao nghèo khó, từ nhỏ, anh Hoàng Seo Sanh, người Mông ở thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã quá quen với những con gà đen sì từ đầu đến chân, cả ngày kiếm ăn tha thẩn quanh sân vườn. Trong thôn, nhà nào cũng nuôi, song nhiều lắm chỉ đôi ba chục con, thi thoảng khi nhà có việc mới mổ thịt, chứ chẳng ai nghĩ tới nuôi gà để làm giàu.

Gà đen bản địa rất phù hợp với khí hậu và tập quán chăn nuôi của đồng bào vùng cao.

Cho đến năm 2015, khi bắt đầu có dự án của huyện đưa giống gà đen bản địa về phát triển, anh mới biết đây là giống gà quý hiếm, đã được bảo tồn gen thành công, giờ quay về nhân rộng cho chính quê hương vùng cao này. Tháng 8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng, cấp thêm cho anh 170 con gà đen giống thuần, đến nay phát triển rất tốt, con nào con ấy khỏe mạnh, mấy nữa bán đi cũng đủ cho cả gia đình có một cái tết to.

Anh Sanh chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi cũng nuôi nhưng ít, lẻ tẻ, chưa tập trung. Giờ rất nhiều người hỏi mua nhưng cũng chưa nhiều, chỉ thi thoảng bán một vài con, giá cả tăng nên chúng tôi cũng muốn rào rộng vườn chuồng để chăn nuôi nhiều hơn".

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai cho biết, xã có gần 500 hộ dân, với 99% người dân tộc Mông, đa phần các hộ còn nghèo khó. Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được áp dụng đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà này.

Theo ông Toán, nuôi gà đen rất dễ, ở Lùng Sui hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại cho gà “ăn dưới đất, ngủ trên cây”, như thế gà sẵn có không gian rộng rãi để “tập thể dục” giúp thịt thêm săn chắc, phân gà thải ra lại bón trực tiếp cho cây thêm tốt. Chưa kể, ở Lùng Sui, nhiều hộ gia đình lực lượng lao động chính đi làm thuê xa nhà, nên chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, “lấy ngắn nuôi dài” từ nuôi gà đen với những hộ neo người là hết sức khả thi. Cùng với đó, sẵn thóc, ngô cứ tung ra cho ăn là chúng lớn, trong khi thịt gà đen ngoài thị trường luôn cho giá cao.

"Hiện nay trên thị trường, 1 kg gà đen có thể bán được 180.000 - 200.000 đồng, mỗi lứa bình quân 1 hộ có thể thu về 20-30 triệu đồng. Từ nay đến năm 2020 chúng tôi phấn đấu mỗi hộ 1 năm nuôi được 3-4 lứa để làm sao luân phiên lúc nào cũng có gà xuất, ổn định kinh tế cho người dân.

Chúng tôi xác định chăn nuôi gà đen có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là thay đổi từ cách làm lạc hậu của người dân trước đây sang hình thức mới, chăn nuôi với quy mô lớn hơn" - ông Hảng Seo Toán cho biết.

Khác với giống gà ác, chân gà đen bản địa rất nhỏ và chỉ có 4 ngón.

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cái hay của loài gà này ở chỗ, chúng vốn là giống gà của chính người Mông, nên rất phù hợp với khí hậu, cũng như cách nuôi chăn thả của người vùng cao. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ sống, thích nghi của gà đen bản địa rất cao, gần như tuyệt đối, khác hẳn các giống gà lai khác cùng nuôi tại địa phương.

Đặc biệt, gà đen bản địa khác hoàn toàn với loài gà ác dù cùng thịt đen, xương đen, nhưng vẫn dễ dàng phân biệt nhờ các đặc điểm nổi bật như sở hữu mào đen, chân nhỏ và chỉ có 4 ngón. Thêm vào đó, so với gà ác thì gà đen bản địa thuộc hàng “đẳng cấp”, mang tính đặc trưng của địa phương hơn nhiều.

Ông Nguyện cho biết: "Hay nhất ở đây là gà đặc sản, chất lượng thịt thơm ngon, độ dinh dưỡng rất cao, đặc trưng nữa là tất cả cơ thể gà đều có màu đen tạo ra loại đặc sản hiếm có, đó là những điều kiện cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương cũng như của tỉnh trong giai đoạn tới".

Sau thành công bước đầu tại Si Ma Cai, tới đây mô hình chăn nuôi gà đen sẽ được mở rộng ra các địa bàn vùng cao khác của tỉnh Lào Cai, hứa hẹn mở ra hướng sinh kế mới cho đồng bào. Từ bán thịt, bán giống, đến bán thành phẩm vốn gắn với thương hiệu sẵn có của Lào Cai, như: gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, phở gà đen Bắc Hà, gà đen gác bếp… Khi đó, nhiều người vùng cao có lẽ chẳng cần đi đâu xa làm thuê, bởi “món hời” vốn dĩ nằm ngay ở dưới chân mình./.

An Kiên/VOV-Đông Bắc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang