Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 26/11/2019
Ngày cập nhật:
28/11/2019
Vài năm trở lại đây, tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ nhà nuôi chim yến tự phát mọc lên tràn lan. Hiệu quả kinh tế mang lại ra sao chỉ có người nuôi mới biết, trong khi ngành chức năng và chính quyền địa phương rất khó tiếp cận các hộ dân nuôi yến. Điều này đặt ra vấn đề cho công tác quản lý, an toàn vệ sinh môi trường, dịch bệnh dễ lây lan...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện hiện có 51 nhà nuôi yến, đa phần được xây dựng tiền chế, có hộ xây nhà bê tông kiên cố. Qua tìm hiểu, huyện vẫn chưa quy hoạch phát triển ngành nghề này, các hộ nuôi chủ yếu theo hình thức tự phát.
Một trong những nhà nuôi yến nằm trên tuyến quốc lộ 80, thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ đến các hộ tìm hiểu, đa phần bà con không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin rất ít. Chỉ biết rằng, khi thiết kế và thi công nhà nuôi yến, đơn vị thi công lắp đặt camera quan sát, theo dõi số lượng đàn yến vào ở, quá trình bảo hành cả chủ nhà cũng không vô được nhà yến, vì thế chúng tôi rất khó đánh giá hiệu quả cũng như đưa ra các khuyến cáo”.
Thạnh Lợi là một trong những địa phương phát triển nhanh số lượng nhà nuôi yến với 29 hộ. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: “Vài năm trước ở Thạnh Lợi chỉ có một vài hộ xây nhà nuôi yến, từ năm 2018 mô hình này phát triển khá nhanh ở địa phương. Được biết chi phí đầu tư xây dựng nhà nuôi yến khá cao, mỗi nhà có diện tích từ 200-250m2, chi phí từ 0,8-1,5 tỉ đồng. Quá trình dẫn dụ yến cũng rất nghiêm ngặt, nếu có các loài vật khác như: rắn, chuột, mèo trong nhà yến thì yến không vào ở và làm tổ. Qua nắm thông tin cũng có một vài hộ có thu nhập từ việc khai thác tổ yến, có hộ chưa có thu nhập vì yến không vào ở”.
Còn ở xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ cũng "mọc’’ lên nhiều nhà nuôi yến trong thời gian gần đây, tập trung nhiều nhất dọc theo tuyến quốc lộ 80. Theo lãnh đạo các địa phương cho biết, hầu như không có nhà nào xin phép cho việc xây nuôi yến, chỉ có một vài hộ xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến nội thất thành nhà nuôi yến. Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, nói: “Trước đây, có một số trường hợp bà con phản ánh tình trạng tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ phát ra từ các nhà nuôi yến, nhưng chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nhắc nhở các hộ nuôi mở âm thanh vừa phải và tránh tiếng ồn vào ban đêm, các hộ cũng chấp hành nên bà con xung quanh cũng không còn khiếu nại, phản ánh. Tuy nhiên, xã cũng lúng túng trong khâu quản lý ngành nghề này, chỉ rà soát, thống kê số hộ nuôi yến trên địa bàn rồi báo cáo ngành chức năng của huyện”.
Điều đáng nói là hầu hết các nhà nuôi yến ở huyện Vĩnh Thạnh được xây dựng trên tuyến dân cư ở nông thôn hoặc tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nên nếu xảy ra dịch bệnh trên chim sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Theo quy định tại Công văn số 1553/SNN&PTNT-KHTC của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ về việc hướng dẫn quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, người nuôi chim yến phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thú y và buộc phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trước đây Phòng có triển khai văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ nuôi chim yến khai báo nhưng các hộ nuôi chưa quan tâm thực hiện, việc nuôi, khai thác yến cũng chưa có quy định cấm nuôi trong khu dân cư hay tuyến dân cư nên ngành rất khó theo dõi, quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vài năm gần đây nghề nuôi yến trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, qua nắm thông tin chỉ một vài hộ có hiệu quả còn lại đa phần chưa có nguồn thu mà vốn đầu tư lại rất lớn, rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nên trước mắt huyện không khuyến khích phát triển ngành nghề này. Để tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý nuôi chim yến, trong khi chờ các văn bản quy phạm pháp luật chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến gia cầm, vật nuôi khác; nhất là ảnh hưởng sức khỏe con người để các hộ nuôi có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi và xây dựng cơ sở nuôi phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.
Bài, ảnh: MINH HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.