Nguồn tin: Báo Bình Phước, 26/11/2019
Ngày cập nhật:
29/11/2019
Năm 2019, Tân Tiến được chọn là xã điểm thực hiện xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao của huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Bên cạnh tập trung nguồn lực, huy động sức dân nâng chất các tiêu chí đã đạt thì việc đa dạng loại hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân được xã đặc biệt chú trọng. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị với quy mô 100 con của Hợp tác xã (HTX) thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú là một minh chứng.
Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, cơ chế chính sách, thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi ở Bình Phước nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng đang tận dụng lợi thế đầu tư phát triển thông qua biện pháp cải tiến về con giống. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 38.685 con bò, tăng 2,48% so cùng kỳ năm 2018, trong đó Đồng Phú có gần 2.400 con.
CẢI TẠO “TẦM VÓC” ĐÀN BÒ
Ngoài nguồn thu chính từ các loại cây công nghiệp, nhiều năm nay, người dân xã Tân Tiến còn tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ nuôi bò với mức bình quân 2-3 con/hộ. Tuy nhiên, phần lớn nông dân chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, phân tán; đa số con giống kém chất lượng, thể trạng nhỏ, sản lượng thịt thấp nên lợi nhuận thu về không cao. Hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị, cải tạo đàn bò giống, năm 2017, anh Lưu Văn Thanh ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến cùng một số hộ đứng ra thành lập HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú.
Mô hình chăn nuôi bò khép kín của gia đình anh Lưu Văn Thanh ở ấp Thái Dũng, xã TânTiến (Đồng Phú) được đánh giá cao về tính thương mại hóa
Từ 8 xã viên ban đầu, sau gần 2 năm hoạt động, số thành viên của HTX tăng lên 50 người với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi phương pháp truyền thống sang nuôi bò chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Với phương châm “chăn nuôi hướng đến nhu cầu của thị trường”, HTX đã áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Anh Lưu Văn Thanh chia sẻ: Giống bò truyền thống phát triển chậm, thời gian nuôi từ 8-12 tháng, nhưng chỉ đạt trọng lượng từ 150-200kg, giá 7-10 triệu đồng/con. Giống bò này còn bị thoái hóa, trùng huyết nên tỷ lệ thịt không cao. Do vậy, HTX đã chủ động lai tạo đàn bò giống, bò thịt theo hướng tăng trọng lượng và chất lượng thịt. Bằng việc sử dụng các giống bò to cao, nhiều thịt, như: 3B, Brahman, Laisindhi, Red angus và Charolais phối giống với đàn bò cái sẵn có tạo đàn bò lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, tỷ lệ thịt cao; thích nghi điều kiện tự nhiên tại địa phương. Khoảng 6 tháng tuổi, bê đạt từ 180-220kg/con, có giá khoảng 13-16 triệu đồng/con. Anh còn gắn camera tại chuồng để tiện theo dõi bò cái sinh sản. Bê đực đa số được nuôi đến khi đạt trọng lượng từ 850-1.050kg/con xuất bán với giá 45-65 triệu đồng/con, được nhiều hộ chọn làm vật nuôi chính.
Hiện các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển cả số lượng và chất lượng sản phẩm. Toàn huyện hiện có 41 trang trại, trong đó 12 trang trại nuôi gia cầm, 28 trang trại nuôi heo, 1 trang trại nuôi bò. Nhiều giống vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, như: bò ngoại, heo ngoại, các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt... tạo ra khối lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Do đó, thu hút đầu tư chăn nuôi trang trại với quy mô công nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của huyện đang góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình đột phá “Tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp” như nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
HTX còn xây dựng quy chuẩn trong chăn nuôi cho từng hộ xã viên nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ. Nhờ chất lượng tốt, bò giống của HTX luôn duy trì giá bán ổn định và cao hơn giá thị trường. “Trước đây, một con bò giống chỉ bán được 8 triệu đồng, nhưng từ khi tham gia HTX giống bò được cải tạo nên phát triển rất tốt. HTX còn là đầu mối tiêu thụ bò thịt của người chăn nuôi vào dịp lễ, tết; cung cấp bò thịt cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên người chăn nuôi có nguồn thu ổn định. Giống bò lai dễ nuôi, ít bị bệnh, giá trị kinh tế cao hơn từ 30-40% so với giống bò truyền thống nên kinh tế gia đình tôi cải thiện đáng kể” - ông Tôn Thất Bình ở ấp Minh Hòa, xã Tân Tiến chia sẻ.
Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, các xã viên còn xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín. Với quy mô chuồng trại luôn duy trì từ 30-50 con tùy thời điểm, anh Thanh đã đầu tư xây dựng chuỗi trồng trọt kết hợp chăn nuôi làm điểm để xã viên học tập. Anh kết hợp trồng cỏ nuôi bò, lấy phân nuôi trùn quế; lấy trùn quế nuôi gà, vịt; phân trùn quế dùng bón cỏ và cây ăn trái. Hiện 3 ha cây ăn trái, gồm dừa xiêm, ổi Đài Loan, quýt đường, bơ, sầu riêng... mỗi năm không chỉ cho gia đình anh Thanh nguồn thu lớn mà còn tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng tiền mua phân bón. Anh Thanh cho biết: “Nhu cầu mua bò giống và bò thịt trong tỉnh khá cao, trong khi Bình Phước chưa có nhiều trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn. Vì thế, nuôi bò sinh sản cung cấp giống theo nhu cầu cho người dân ở các khu vực lân cận đang là hướng HTX tập trung phát triển trong thời gian tới”.
NÂNG CHẤT ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Nuôi bò tuy không phải nghề chính nhưng đang mang lại thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm nếu các hộ duy trì đàn từ 7-10 con. Nâng chất NTM chính là nâng cao đời sống người dân. Với mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 61,5 triệu đồng/người, UBND xã Tân Tiến đang huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Xã còn đề ra các giải pháp nâng cao thu nhập người dân thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn, định hướng ngành, nghề phù hợp, tư vấn, giới thiệu việc làm để người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định. Đồng thời, khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích...
HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Đồng Phú đang hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, cải tạo đàn bò
Đến nay, xã đã triển khai 6 mô hình nuôi dê sinh sản, 2 mô hình nuôi bò lai sind. Ngoài ra, xã còn thành lập HTX thương mại, dịch vụ, sản xuất rau sạch Thành Phương với vốn điều lệ 10 tỷ đồng; duy trì tổ hợp tác ươm giống cây trồng, chuyên cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho nông dân.
Ngân Hà
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.