Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 29/11/2019
Ngày cập nhật:
2/12/2019
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận về phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian qua đơn vị chức năng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi làm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến thời điểm hiện nay, có 3 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm. Đối với chăn nuôi dê, cừu, chuỗi giá trị gắn với giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Triệu Tín, thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận (Ninh Phước) được đánh giá là có tính bền vững nhất. Ưu điểm của chuỗi giá trị này là doanh nghiệp cung cấp dê, cừu giống, tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo tính toán, sau thời gian 4-6 tháng, hộ nuôi 30 con dê, cừu, thu lãi 30 triệu đồng, hiệu quả hơn so với chăn nuôi truyền thống.
Nông dân huyện Ninh Hải liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi cừu.
Chuỗi liên kết giá trị dê, cừu đang không ngừng phát triển. Hiện nay ngoài doanh nghiệp Triệu Tín, còn có Cơ sở giết mổ gia súc Bích Huyền, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Cơ sở giết mổ gia súc La Thị Kim Phượng, xã Phước Nam (Thuận Nam), Cơ sở giết mổ gia súc Lê Thị Hoa, xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với 175 hộ và thương lái để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên, ổn định cho thị trường. Đáng nói là, hoạt động liên kết của nông dân và doanh nghiệp trong phát triển chuỗi chăn nuôi dê, cừu luôn có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nhờ được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu dê, cừu Ninh Thuận”, nên mặt hàng thực phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 1.300 con. Cũng nhờ vào chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị, mặt hàng thực phẩm dê, cừu phong phú, tạo ra giá trị tăng thêm. Cụ thể, dê, cừu sau giết mổ được sơ chế, đóng gói cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh và một số thành phố lớn như Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh, Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội khoảng 550 con/ngày. Các sản phẩm chế biến sau giết mổ như thịt dê, cừu xông khói, tẩm gia vị, xúc xích, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 600 kg.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi heo với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận cũng đang ngày càng phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 trang trại liên kết chăn nuôi hơn 40.000 con heo theo hình thức hộ nuôi đầu tư xây dựng hạ tầng chuồng trại, Công ty đầu tư con giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật chăm sóc và thu mua toàn bộ sản phẩm. Ưu điểm của chuỗi giá trị là hộ nuôi hưởng công chăm sóc, nên khả năng thua lỗ thấp; doanh nghiệp mở 14 cửa hàng thực phẩm heo sạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Tuy mới được hình thành gần đây, nhưng chuỗi liên kết heo đen, gà Suối Đá của HTX Suối Đá (Thuận Bắc) đã khai thác được tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi để sản xuất các mặt hàng đặc thù của địa phương. Tham gia mô hình có 20 hộ đầu tư nuôi heo bản địa bán cho HTX, với số lượng khoảng 100 con heo đen, 1.500 con gà đồi/năm. Trước đây, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, nhưng hiện nay nhờ HTX làm tốt công tác quảng bá, nên thịt heo đen đã vào được các nhà hàng, siêu thị ngoài tỉnh.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Những chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi không ngừng phát triển đó là nhờ các HTX nông nghiệp, hộ chăn nuôi được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Để tạo liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ trong xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giải pháp ngành chức năng đề ra là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong việc phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể; vận động, thu hút doanh nghiệp làm đầu tàu tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi là xu thế tất yếu, được nhiều hộ chăn nuôi tích cực tham gia. Với những kết quả đạt được bước đầu trong thực hiện chương trình, tin tưởng sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển lên tầm cao mới.
Anh Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.