Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 03/12/2019
Ngày cập nhật:
5/12/2019
Do ảnh hưởng của tình hình dịch tả heo Châu phi nên nhiều hộ dân đã tìm hướng chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp. Với giá cả hấp dẫn, chi phí chăn nuôi thấp và đặc biệt khả năng kháng bệnh tốt nên nhiều nông dân trên địa bàn TP. Sóc Trăng đã chuyển đổi sang nuôi dê nhốt chuồng để đảm bảo an toàn và có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Sóc Trăng nói riêng, mô hình nuôi dê ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ. Chú Nguyễn Văn Phú, ở Khóm 5, Phường 8 (TP. Sóc Trăng) gắn bó với mô hình nuôi heo khoảng 25 năm nhưng thời gian gần đây do tình hình dịch bệnh nhiều, chi phí thức ăn tăng cao, nuôi heo không có lời. Cách đây 3 năm, khi tham gia tổ hợp tác nuôi dê của Phường 8, chú có điều kiện nghiên cứu và tìm hiểu những mô hình nuôi dê hiệu quả. Từ đó, chú quyết định chuyển hẳn sang chăn nuôi dê nhốt chuồng. Hiệu quả kinh tế từ nuôi dê mang lại nên chú mạnh dạn mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn. Chú Phú chia sẻ: “So với nuôi heo thì nuôi dê giá cả ổn định, ít công chăm sóc bởi dê là con vật ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, đặc biệt dê hiếm khi mắc bệnh. Vì vậy, nuôi dê chỉ mất công cắt cỏ, không phải bỏ tiền mua thức ăn cho dê nên chi phí thấp, không sợ lỗ. Khi dê sinh sản thì dê cái để gây đàn, còn dê đực nuôi bán, cứ như vậy đàn mỗi năm một tăng và có bán thường xuyên”.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ.
Cũng theo chú Phú, để chăn nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao và ổn định, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do đặc tính dê thích sống ở những nơi cao ráo, thoáng mát nên chuồng trại cũng phải xây dựng cao so với mặt đất. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh nhưng trong quá trình nuôi cũng phải đúng kỹ thuật. Với giá thị trường hiện nay, mỗi năm gia đình chú Phú cũng bán được khoảng mấy chục con dê thương phẩm, lời vài chục triệu đồng. Đây là mức thu nhập ổn định so với nhiều mô hình chăn nuôi khác hiện nay.
Những năm trước, do hoàn toàn phụ thuộc thương lái nên đầu ra không ổn định, giá bán dê thương phẩm thường ở mức thấp. Nhưng gần đây, các hộ nuôi dê đã liên kết lại thành lập Tổ hợp tác Nuôi dê Phường 8 nên việc tiêu thụ được thuận lợi hơn. Nhờ đầu ra ổn định, giá cả tương đối tốt nên mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn TP. Sóc Trăng nói chung và các thành viên nuôi dê của tổ hợp tác Phường 8 nói riêng đã mở rộng quy mô chăn nuôi và giàu lên từ con vật này. Anh Ngô Minh Tài - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi dê Phường 8 cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập đầu năm 2018, với 11 thành viên. Tham gia vào tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi dê được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh cho đàn dê. Đầu ra tương đối ổn định. Hiện cung không đủ cầu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt dê trên thị trường ngày càng lớn. Hiện tại, gia đình tôi có 27 con dê cái và 29 con dê thương phẩm chuẩn bị xuất bán. Theo tôi, nuôi dê nhốt chuồng không khó, chỉ cần phòng dịch bệnh tốt, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và theo dõi quản lý tốt đàn dê. Đảm bảo nguồn thức ăn đủ thì 1 năm dê đẻ hai lứa, từ lúc đẻ đến 6 tháng có thể xuất bán với trọng lượng 28kg đến 32kg/con. Với giá bán ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng lời trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng”.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Mai Quốc Ngưng cho biết: “Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang rất phát triển do nhu cầu thị trường ngày càng lớn nên nhiều nông hộ có xu hướng tăng đàn, chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp. Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê phát triển bền vững, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con cũng như triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê để đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đàn dê giống, tăng quy mô tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đặc biệt định hướng tiêu thụ cho bà con, giúp nông hộ chăn nuôi dê trên địa bàn phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng”.
K. Thoa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.