Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 4/12/2019
Ngày cập nhật:
6/12/2019
Chăn nuôi trâu, bò hiện đang là một trong những ngành hàng quan trọng của nông nghiệp Tuyên Quang. Chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi, đảm bảo nâng cao giá trị chăn nuôi.
Từ những mô hình thành công…
Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi trâu, bò được 2 năm nay. Năm 2017, sau chuyến tham quan mô hình chăn nuôi gia súc ở Hải Dương, anh quyết định chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo. 6.000 m2 đất trồng mía kém hiệu quả, anh Cảnh chuyển đổi sang trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Từ 2 con đầu tiên, giờ mỗi lứa anh Cảnh nuôi từ 8 - 10 con trâu, bò các loại. Sau khoảng 3 tháng vỗ béo, anh Cảnh lãi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con.
Khu vực chăn nuôi trâu của Hợp tác xã Toàn Dũng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang Lê Văn Thứ cho biết, thành công của mô hình này được minh chứng ở số lượng thành viên không ngừng tăng lên mỗi năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động (2017) chỉ có 7 thành viên tham gia, chăn nuôi 9 con trâu, thì sau 2 năm, đã có 35 thành viên tham gia, tổng đàn là 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết này, mỗi tháng 1 hộ chăn nuôi trong hợp tác xã có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với những người nông dân nơi đây.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong 3 năm (2017 - 2019), Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã cung ứng 2.345 con trâu, bò cho 20 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân 4 - 5 triệu đồng/con trâu và 2,5 - 3 triệu đồng/con bò.
Liên kết mở rộng
Ông Ma Văn Kết, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) hiện đang nuôi 20 con trâu, bò. Trong đó, đàn bò của gia đình ông lên đến 18 con. Số trâu, bò này ông nhận lại từ các hộ chăn nuôi không hiệu quả tại Xuân Quang, Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Hà Lang. Theo ông Kết, thời điểm mới đưa đàn về chăn nuôi, đàn bò gầy yếu, không tăng trọng lượng, nhưng nhờ đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, lại chủ động trồng trước hơn 3 ha cỏ, nguồn thức ăn tinh được phối trộn theo đúng công thức nên mỗi ngày, đàn trâu bò của gia đình ông tăng từ 1,2 - 1,5 kg. Cuối tháng 11, toàn bộ đàn trâu, bò của gia đình ông sẽ được Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thu mua. Ông Kết tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi con sẽ cho lãi khoảng 3 triệu đồng.
Hợp tác xã Toàn Dũng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) hiện cũng đang nuôi 14 con trâu bò theo chuỗi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Ông Vi Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Dũng cho biết, lâu nay việc chăn nuôi trâu bò của người dân vùng cao chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên. Khi được đi thăm một số mô hình chăn nuôi hàng hóa đã thành công tại Chiêm Hóa, Hàm Yên, ông quyết định thành lập hợp tác xã với 7 thành viên để chăn nuôi tập trung tại khu vực Nà Lung. Theo ông Dũng, chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo khá đơn giản, khi đàn trâu bò đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nguồn thức ăn được phối trộn, đủ dinh dưỡng nên đàn tăng trưởng khá nhanh. Ông Hùng cho biết, vì là trang trại chăn nuôi lớn đầu tiên nên hầu như ngày nào cũng có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đầu vào được cung cấp đầy đủ, đầu ra được cam kết, nên ông đang tiếp tục cải tạo chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 25 - 30 con trong lứa nuôi tiếp theo. Hiện tại ở Thượng Lâm, Hợp tác xã chăn nuôi Toàn Dũng là hợp tác xã đầu tiên chăn nuôi trâu tập trung theo hướng hàng hóa.
Hợp tác xã Minh Quang, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) cũng đang bắt tay với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chăn nuôi 12 con trâu. Khác với các hợp tác xã khác, ngoài chăn nuôi trâu nhốt chuồng, Hợp tác xã Minh Quang mở rộng sang cả chăn nuôi trâu sinh sản để chủ động nguồn con giống. Anh Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, qua một thời gian chăn nuôi từ dê, lợn, anh nhận thấy việc chăn nuôi trâu nhốt chuồng là có lãi hơn cả. Đàn trâu được cho ăn đầy đủ, tiêm phòng các loại vắc xin trước khi bàn giao cho hộ chăn nuôi nên khả năng chống chịu dịch bệnh tăng. Hiện, Hợp tác xã Minh Quang đang xây dựng khu vực nuôi giun quế để nuôi thêm gà, vịt.
Tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141 nghìn con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102 nghìn con, đàn bò trên 35,6 nghìn con, còn lại là đàn bò sữa. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương đã trồng trên 4.000 ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô… làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39,5 nghìn tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong những năm tiếp theo ngành tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi tập trung trên tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Bài, ảnh: Trần Liên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.