• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không để tái đàn thành… tái dịch!

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 11/12/2019
Ngày cập nhật: 12/12/2019

Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao khiến nhiều hộ, trang trại đều muốn tái đàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn, các địa phương cần phải rà soát, siết chặt việc tái đàn ở các hộ, trang trại chăn nuôi, kiên quyết không để tái đàn thành… tái dịch.

Thời gian gần đây, có một số hộ chăn nuôi đã tái đàn lợn, nhưng do chất lượng con giống chưa bảo đảm và không báo cáo với chính quyền địa phương nên lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên gia đình tạm ngừng nuôi, nhưng đến tháng 10-2019, khi thấy dịch bệnh giảm, tôi đã nhập 60 con lợn giống về nuôi để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, do lúc mua chưa tìm hiểu rõ về chất lượng con giống nên chỉ vài ngày sau, lợn bị mắc bệnh nên đã phải tiêu hủy...”.

Trong khi nhiều hộ dân chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để chăn nuôi trở lại thì nhiều trang trại nuôi lợn an toàn sinh học đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), hiện nay trang trại có 400 con lợn thương phẩm nuôi theo hướng an toàn sinh học, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, Hợp tác xã nâng tổng đàn lên 500 con để có thêm sản phẩm cho người tiêu dùng.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hơn 30% tổng đàn của thành phố (khoảng 550.000 con), nên giá thịt lợn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Do vậy, các trang trại, hộ chăn nuôi đều nóng lòng muốn tái đàn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực tế kiểm tra việc tái đàn ở các địa phương đã chứng minh, những hộ chăn nuôi chưa bảo đảm về chuồng trại, mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất dễ bị dịch bệnh trở lại. Còn những trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm các điều kiện về chuồng trại, con giống, thức ăn thì đàn lợn vẫn phát triển ổn định.

“Toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ chăn nuôi lợn đã tái đàn với 290.000 con. Các cơ quan chức năng phát hiện 196 hộ tái đàn nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương (khoảng 7.500 con) và đã xử phạt với số tiền gần 30 triệu đồng” - ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội thông tin.

Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc khẳng định, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh, do vậy, huyện sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, nếu bảo đảm an toàn dịch bệnh mới cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh động vật, để cho các hộ phát triển tổng đàn. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường thì phải tái đàn nhưng cần có sự kiểm soát chặt về nguồn gốc, cùng như phải đảm bảo được các yêu cầu an toàn dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tái đàn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn, tái đàn không báo cáo hoặc điều kiện tái đàn không bảo đảm theo quy định của Bộ NN&PTNT để xử lý nghiêm, kiên quyết không để tình trạng tái đàn thành... tái dịch, cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Mặt khác, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm (gà thả vườn, vịt), gia súc (ăn cỏ)... để thay thế thịt lợn; đồng thời phối hợp với các tỉnh để đưa lợn sạch có kiểm soát về bán trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

QUỲNH DUNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang