Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 13/12/2019
Ngày cập nhật:
14/12/2019
Giải pháp duy nhất bảo vệ đàn heo khỏi bệnh dịch tả heo châu Phi là an toàn sinh học, nên các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, được đầu tư bài bản để bảo toàn và phát triển đàn heo. Trong khi đó, do không được tái đàn, nhiều nông hộ đang điêu đứng trước thị trường thịt heo tết.
Cùng với sự phát triển mạnh của chăn nuôi công nghiệp với trang trại quy mô lớn, thì chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không ngừng bị thu hẹp do kém lợi thế cạnh tranh nên chỉ chiếm khoảng dưới 10% tổng đàn. Chăn nuôi nhỏ lẻ càng tan tác trong “cơn bão” bệnh dịch tả heo châu Phi và rất khó phục hồi lại. Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 5.359 hộ và trang trại với trên 447.000 con heo bị tiêu hủy, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thông thường, đây là thời gian chuẩn bị vụ heo tết, thế nhưng năm nay lại khác, không khí ảm đạm bao trùm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì dịch bệnh hoành hành không thể tái đàn.
Với diện tích đất hơn 500m², anh Nguyễn Văn Sinh ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, chọn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình hơn 18 năm qua. Bình quân mỗi năm, với tổng đàn 50 heo nái và 200 heo thịt, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 200 triệu đồng, kinh tế gia đình tương đối ổn định. Song tháng 7 vừa qua, bệnh dịch tả heo châu Phi đã quét sạch số heo trong trại, bây giờ muốn tái đàn nhưng anh Sinh chưa dám vì lo dịch sẽ quay lại.
Được tái đàn heo là mong mỏi lớn nhất của người chăn nuôi sau bệnh dịch tả heo châu Phi tạm lắng. Song người chăn nuôi cũng chưa biết cách phòng bệnh ra sao nên rất dè dặt, thận trọng trong việc tái đàn. Thêm vào đó là khó khăn về vốn, bởi hầu hết hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng sau khi dịch quét qua và việc tìm được nguồn heo giống đảm bảo chất lượng cũng là vấn đề cần được các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm hỗ trợ người dân trong giai đoạn này.
Hiện giá cả thịt heo liên tục tăng cao vì nguồn cung đang thiếu hụt, thế nhưng các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, hiện nguồn cung heo chưa quá khan hiếm như dự đoán vì tổng đàn heo của các doanh nghiệp chiếm 86% trên tổng đàn heo của Đồng Nai với khoảng 1,2 triệu con. Các công ty lớn trong tỉnh vẫn đang cung cấp ổn định số lượng ra thị trường. Cụ thể, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung ứng khoảng 3.000 con heo/ngày, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cung cấp 1.000 - 1.200 con/ngày, Công ty TNHH Sunjin Vina khoảng 300 con/ngày...
Không chỉ giữ được tổng đàn, các doanh nghiệp lớn đều đang có kế hoạch tăng đàn heo nái và heo thịt. Trong đó, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đang áp dụng biện pháp tăng trọng lượng để bù vào nguồn cung heo bị giảm. Theo đó, mỗi con heo của doanh nghiệp này bán ra thị trường đạt mức 110 - 130kg/con. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) đã nhập thêm khoảng 8.000 con heo nái hậu bị về các trại ở Đồng Nai, để tăng đàn nái lên khoảng 10%. Còn Công ty TNHH Sunjin Vina (huyện Trảng Bom) hiện có tổng đàn nái khoảng 10.000 con và có kế hoạch tăng thêm trại heo nái với quy mô hàng ngàn con trên địa bàn tỉnh. Tương tự, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại KCN Long Khánh, TP Long Khánh) đang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp xây trại chăn nuôi heo mới ở những khu vực đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn heo.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo nái của tỉnh chỉ còn khoảng 200.000 con, giảm gần 100.000 con, nên sẽ khó thực hiện ngay việc tái đàn trong thời điểm này và tỉnh đang tập trung các giải pháp bảo vệ đàn heo còn lại và tái đàn an toàn nhằm ổn định nguồn cung trong thời gian tới; trong đó, nguồn cung chủ yếu hiện vẫn từ các công ty chăn nuôi lớn vì trong điều kiện hiện nay, chỉ các doanh nghiệp mới có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học để tái đàn.
TIẾN MINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.