• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khai thác lợi thế chăn nuôi đại gia súc

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 13/12/2019
Ngày cập nhật: 15/12/2019

Triển khai từ đầu năm 2018, Đề án “Đẩy mạnh phát triển lợi thế chăn nuôi đại gia súc ở một số xã vùng Đông Bắc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), giai đoạn 2018- 2021” (gọi tắt là Đề án) đã và đang phát huy hiệu quả, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, hạn chế dịch bệnh, góp phần ổn định đàn đại gia súc trên địa bàn.

Phát triển tiềm năng

Mới đây, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ngựa bạch sinh sản của gia đình anh Vi Văn Trường, thôn Chả, xã Phong Vân. Tháng 10- 2018, anh Trường mua một con ngựa bạch giống, giá 48 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 50% giá giống theo Đề án. Niềm vui bất ngờ, sau 10 tháng nuôi, ngựa sinh một con ngựa bạch cái. Đến nay, ngựa con được 5 tháng tuổi, có người trả 25 triệu đồng nhưng anh không bán.

Ông Hoàng Văn Khải, thôn Vựa Trong, xã Phong Vân trao đổi kỹ thuật chăm sóc đàn ngựa với cán bộ thú y xã.

Cách đó không xa, gia đình ông Hoàng Văn Khải, thôn Vựa Trong cũng đang bận rộn với việc che chắn chuồng trại, bảo vệ đàn ngựa. Mấy năm trước, ông mua một con ngựa cỏ (ngựa bản địa) nái; năm sau ngựa nái sinh một con ngựa bạch đực. Sau 5 tháng nuôi, ông bán ngựa con được gần 20 triệu đồng. Hiện ngựa nái đẻ tiếp được 3 con ngựa cỏ và 1 ngựa bạch cái.

Ông Vi Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết, toàn xã có 700 con ngựa, 850 con trâu, hơn 600 con bò và trên 1,3 nghìn con dê. Nhằm từng bước cải tạo đàn ngựa trên địa bàn, 2 năm qua có 8 hộ trong xã được hỗ trợ mua ngựa bạch nái giống từ Đề án của huyện.

Năm 2018, xã còn hỗ trợ 15 con ngựa thương phẩm cho các hộ chăn nuôi. Hiện đàn ngựa đều phát triển tốt. Theo ông Doanh, một con ngựa bạch trọng lượng 300 kg hiện có giá khoảng 60 triệu đồng, cao gấp ba lần ngựa cỏ. Vì thế xã tuyên truyền người dân lai tạo từ ngựa cỏ sang ngựa bạch.

Còn tại xã Phong Minh, thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã gắn với Đề án của huyện, UBND xã đã phối hợp với một số ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân vay vốn chăn nuôi đại gia súc bằng các hình thức tín chấp, thế chấp thông qua tổ vay vốn của các hội, đoàn thể.

Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, 100% hộ trong xã đã đầu tư chăn nuôi đại gia súc, nhất là trâu, bò, nhiều hộ nuôi tới 40- 50 con.

Hiện đàn đại gia súc của xã đạt hơn 4 nghìn con, đứng tốp đầu của huyện. Thu nhập từ chăn nuôi đã góp phần giảm nhanh số hộ nghèo trong xã, bình quân mỗi năm giảm từ 5- 6%; hộ khá và giàu tăng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Ngạn chỉ đạo các xã vùng Đông Bắc của huyện tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, đưa tỷ lệ đàn dê lai lên 30%; nâng tổng đàn ngựa lên 3 nghìn con, tăng tỷ lệ ngựa bạch lên 35%. Ngoài ra, huyện khuyến khích người chăn nuôi nâng tổng đàn gà tại các xã vùng Dự án lên 400 nghìn con.

Đồng thời khuyến khích các hộ chuyển đổi phương thức chăn nuôi truyền thống sang ứng dụng quy trình VietGAHP; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất từ mô hình kinh tế hộ sang nhóm hộ và thành lập các HTX sản xuất, tiêu thụ để xây dựng thương hiệu sản phẩm có lợi thế vùng như: Trâu Phong Minh, ngựa Phong Vân, dê Biên Sơn, gà thiến Tân Sơn…

Để đạt mục tiêu trên, năm 2018 và 2019, UBND huyện đã hỗ trợ 46 con ngựa bạch giống cho 46 hộ dân tham gia Dự án với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân vùng Dự án 15 nghìn con gà giống các loại; tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi cho hàng trăm lượt người.

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt Đề án, ngành nông nghiệp, chính quyền các xã tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng.

Ngành chức năng của huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển chăn nuôi cũng như chế biến và bao tiêu sản phẩm; chọn lọc, cải tạo, nâng cao chất lượng các giống gia súc bản địa. Về phía các hộ dân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Huấn Đoàn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang