Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 26/12/2019
Ngày cập nhật:
27/12/2019
Đàn lợn sụt giảm mạnh, giá thịt lợn tăng cao kỷ lục đang mang lại cơ hội phát triển cho nghề chăn nuôi vịt.
Người dân xã Gia Lâm (Nho Quan) nuôi thả vịt ở ngoài đồng.
Anh Đinh Văn Khuê (ở xóm 10, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) hiện đang nuôi hơn 3.000 con vịt. “Trước đây, mỗi lứa tôi chỉ nuôi tầm 1.000 con và cứ khoảng 30-50 ngày mới vào một lứa mới. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng mạnh khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu dùng thịt gia cầm. Thị trường đang thuận lợi nên hiện nay cứ 20 ngày tôi lại vào 1 lứa vịt, mỗi lứa 3.000 con”, anh Khuê chia sẻ.
Theo những người nuôi vịt chuyên nghiệp, con vịt từ khi mua giống về đến khi xuất bán chỉ vẻn vẹn có 50 ngày nên tốc độ quay vòng rất nhanh. Thêm vào đó, cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi cũng rất đơn giản, thông thường vịt nuôi lấy thịt được thả ở ngoài ruộng, không cần chuồng trại gì cả, chỉ dựng một lán bằng tre, phủ bạt là được. Người nuôi đầu tư mỗi tiền giống, cám và vắc xin phòng bệnh. Giá thành của 1 kg vịt (bao gồm giống, cám, thuốc thú y) vào khoảng 30-32 nghìn đồng nên chỉ cần giá bán từ 33 nghìn đồng/1kg trở đi là đã có lãi. Trong khi đó, giá vịt trên thị trường hiện nay là 40-42 nghìn đồng/1kg, có nghĩa là cứ nuôi 1 nghìn con thì được lãi khoảng 20 triệu đồng. Do vậy thời điểm này, hầu hết người nuôi vịt đang tranh thủ tăng đàn để kiếm lời. Riêng huyện Nho Quan, hiện nay đàn vịt đã lên tới trên 400 nghìn con. Tập trung chủ yếu ở các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Phú Sơn, Gia Tường, Thượng Hòa, Thanh Lạc. Do nhu cầu chăn nuôi tăng nên giá vịt giống cũng tăng khoảng 9 nghìn đồng/1 con, gần gấp đôi mức giá bình thường kể từ cuối tháng 9 (từ 10 nghìn đồng/1 con lên 19 nghìn đồng/1 con).
Được biết, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, cả nước đã có 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy. Riêng tại Ninh Bình, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.163 thôn/142 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố; 107,5 nghìn con lợn phải tiêu hủy bắt buộc, tương đương 6,29 nghìn tấn. Điều này đã kéo giá lợn lên mức cao kỉ lục, tạo ra một lỗ hổng lớn về nguồn cung prôtêin và thúc đẩy sự gia tăng về nhu cầu thịt gia cầm. Trước thực trạng này, Ngành Nông nghiệp đã kêu gọi người chăn nuôi chuyển hướng sang nuôi các đối tượng khác như: trâu, bò, dê, gia cầm để bù đắp lại phần nào sản lượng thịt lợn thiếu hụt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo: Người dân chuyển đổi sang nuôi vịt khá nhiều, nguồn giống khan hiếm khiến giá con giống bị đẩy lên cao. Mặt khác, do nhu cầu giống tăng mạnh nên có con giống là người nuôi mua ngay chứ không chọn lọc kỹ như trước. Theo đó, nhiều trại nuôi gặp phải tình trạng vịt bị còi cọc, chậm lớn. Đặc biệt, hiện nay đang là dịp cuối năm, thời tiết thuận lợi cho các loại dịch cúm gia cầm phát triển. Người nuôi phát triển đàn gà, vịt quá nhanh, mật độ nuôi dày càng tăng rủi ro bùng phát dịch bệnh này. Do vậy, bà con cần đặc biệt lưu ý, chọn con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch. Trong quá trình nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cũng như chú ý công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường. Những ngày thời tiết chuyển lạnh cần làm lán che chắn để giữ ấm cho đàn vịt.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.