Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 05/02/2019
Ngày cập nhật:
11/2/2019
Sở hữu 130 đõ ong nên ông Đinh Văn Nghìn ở xóm Bình thường xuyên tất bật với việc chăm sóc đàn ong.
Tiết lập Xuân, trời đất dần trở nên ấm áp, thúc giục những chồi non và hoa rừng bung nở, đánh thức đàn ong mật sau kỳ nghỉ đông bước vào vụ săn tìm mật. Với người nuôi ong thì những giọt mật vàng óng từ rừng là món quà quý của thiên nhiên ban tặng, được coi như những “giọt vàng” bởi sự tinh túy của đất trời, cỏ cây hoa lá đã hội tụ vào trong đó. Những đàn ong thợ cũng giống như người nông dân vùng cao Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) luôn miệt mài lượm lặt, chắt chiu từng giọt mật tinh túy để mong ước có được cuộc sống no đủ, sung túc hơn.
Theo chia sẻ của những người đã hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật ở xã Mỹ Thuận, kể từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch, lượng mật thu hoạch được ít nhất trong năm bởi ong trong giai đoạn tách đàn để chuẩn bị cho mùa mật mới. Thời điểm này, nguồn thức ăn chính của chúng là hoa keo và mật được bà con tích trữ từ vụ trước, phấn hoa. Sau Tết Nguyên đán, nhất là thời điểm tháng 3, tháng 4, mùa quay mật bắt đầu rộ. Nếu chỉ trông chờ vào hoa rừng ở địa phương thì lượng mật thu về có hạn bởi số hộ nuôi ong ngày càng tăng. Nhiều năm nay, người nuôi ong đã tìm cách di cư những đàn ong lên tận cao nguyên đá Hà Giang để tìm mật hoa bạc hà hay lên vùng sông Mã (Sơn La) theo mùa mật hoa nhãn. Mỗi chuyến đi tìm “vàng” là cả ước mong về mùa mật bội thu...
20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Đinh Văn Nghìn ở xóm Bình, xã Mỹ Thuận đã coi ong như những người bạn tâm giao trong mỗi chuyến xa nhà. Cứ vào mùa hoa nhãn, ông lại khăn gói cùng hơn 100 đàn ong ngược mạn sông Mã đi tìm mật. Khi hoa nhãn nở rộ, lượng mật thu được nhiều và thơm nhất. Thấy được tiềm năng khai thác mật từ những rừng nhãn nơi đây, hàng chục hộ trong xóm cùng rủ nhau đưa đàn ong đi xa lấy mật. Trên chặng đường “du cư”, họ thường phối hợp, hỗ trợ nhau từ việc vận chuyển, thuê trang trại đặt đõ ong đến công đoạn quay mật. Từng giọt mật vàng óng, thơm hương rừng Tây Bắc được cất trữ chuyển về xuôi chờ thương lái đến thu mua. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng 2 tháng, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi trung bình từ 50-60 triệu đồng. Nuôi ong lấy mật tuy là nghề phụ nhưng lại mang về nguồn thu chính, giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo. Mỹ Thuận hiện có khoảng 90 hộ nuôi ong quy mô từ 100 đõ trở lên, tập chung chủ yếu ở các xóm: Bình, Chiềng, Mịn 2, Hồng Phong… Nhiều hộ trước kia kinh tế khó khăn, song nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi ong thông qua các lớp tập huấn do UBND huyện tổ chức đã nhanh chóng nhân đàn, mang lại nguồn thu đáng kể. Đối với những hộ quy mô nuôi từ 100 đõ ong trở lên, mỗi năm thu hoạch khoảng 800 lít mật các loại, tương đương 120-150 triệu đồng/năm. Vì thế, các hộ nuôi ong trong xã nay đều có nhà xây, kinh tế ổn định.
Kiểm tra cầu ong trong quá trình nhân đàn.
Tranh thủ lợi thế từ rừng, những năm gần đây, phong trào nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Tân Sơn phát triển nhanh. Hiện toàn huyện có trên 3.000 đàn ong, chủ yếu ở các xã Mỹ Thuận, Văn Luông, Long Cốc, Tân Phú… mỗi năm cho thu khoảng 25 nghìn lít mật rừng. Đối với nghề nuôi ong, người nuôi không chỉ vất vả trong những tháng quay mật mà công việc bận bịu quanh năm. Để có được những đàn ong khỏe mạnh, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm chăm sóc cũng như sự tỉ mỉ, khéo léo. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong của mình, ông Nghìn cho biết: “Khi hoa rừng thưa thớt, phải cho ong ăn bổ sung mật, phấn hoa vào ban đêm, nếu cho ăn lúc trời còn sáng chúng sẽ cắn nhau gây hỏng đàn”. Theo ông, trong quá trình chăm sóc chỉ một chút lơ là, bất cẩn để đàn đông quá chúng sẽ tự tách đàn và bay đi. Ong cũng dễ mắc bệnh nấm và tiêu hóa. Nếu sử dụng kháng sinh trộn lẫn thức ăn sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng mật, mất lòng tin ở người tiêu dùng. Vì thế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho ong là pha gừng, sữa chua, nước chanh phun trực tiếp vào cầu ong hay trộn lẫn thức ăn sẽ tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện vùng cao đã mở ra hướng thoát nghèo, thậm chí làm giàu cho nông dân. Tuy có tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng nghề nuôi ong lấy mật ở Tân Sơn vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Mật ong làm ra chưa được quảng bá rộng rãi để nhiều người biết đến. Để nghề nuôi ong mật phát triển bền vững, huyện cần xem xét, tạo điều kiện giúp nông dân có phương thức quảng bá sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, tạo điều kiện để vị ngọt vùng cao bay xa.
Hồng Nhung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.