Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 13/02/2019
Ngày cập nhật:
14/2/2019
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn và nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy tách rắn, lỏng tại khu trang trại của gia đình ông Trần Văn Khang, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Chu Kiều
Toàn tỉnh có khoảng 118 nghìn con trâu bò, 630 nghìn con lợn và 10,5 triệu con gia cầm với 70% số hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi. Uớc tính, hàng năm, có khoảng 1,3 triệu tấn chất thải rắn từ đàn gia súc, gia cầm thải ra môi trường, chưa kể hàng vạn tấn nước thải từ chăn nuôi mỗi ngày.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân, đồng thời là nguồn phát sinh dịch bệnh ở nông thôn, tạo nên bức xúc ở các khu vực dân cư, nhất là các huyện đồng bằng có mật độ dân cư và hoạt động sản xuất chăn nuôi cao. Mặt khác, phần lớn các hộ chăn nuôi còn hạn chế về kiến thức cũng như kinh phí đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi.
Nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, những năm qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi; bố trí kinh phí đối ứng để triển khai một số dự án của Trung ương, các tổ chức phi Chính phủ như Chương trình Khí sinh học Việt Nam- Hà Lan; dự án hỗ trợ xây dựng hầm Biogas của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Nguyên và Môi trường…
Đã có khoảng 20 nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được xây dựng hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Riêng giai đoạn 2012 - 2017, ngành NN&PTNT thực hiện hỗ trợ gần 18.500 công trình xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần không nhỏ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ người chăn nuôi. Theo ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), thực tế quá trình triển khai nhận thấy, nhu cầu của người dân về xây dựng các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện rất lớn. Tháng 4/2018, UBND tỉnh ban hành quyết định số 802 về việc phê duyệt dự toán và cấp kinh phí thực hiện dự án xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 (phân kỳ đầu năm 2018).
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 1 lần 50% chi phí làm hầm Biogas nhưng không quá 5 triệu đồng/hầm/hộ có quy mô từ 20 con lợn/lứa hoặc 4 con trâu, bò trở lên; hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng công trình bể lọc, sục khí nhưng không quá 20 triệu đồng/công trình/hộ chăn nuôi lợn có quy mô trên 20 nái hoặc 200 lợn thịt/lứa trở nên; hỗ trợ 50% giá trị làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ có quy mô từ 500 con trở lên.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng 1.400 đệm lót, 2.000 hầm biogas và 10 bể lọc, sục khí.
Ông Nguyễn Văn Vi, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) cho biết: Chuồng trại của gia đình thường duy trì nuôi hơn 100 con lợn, do chăn nuôi nằm trong khuôn viên đất của gia đình nên tôi đã xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi; đồng thời, tận dụng khí thải làm chất đốt đun nấu và thắp sáng, giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình; phụ phẩm từ việc xử lý chất thải chăn nuôi bón cho cây trồng, có tác dụng cải tạo đất, giảm hiện tượng đất bị thoái hóa, xói mòn...
Theo tính toán của ông Vi, mỗi năm, gia đình tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng chi phí đun nấu. Với việc hỗ trợ 14 nghìn hầm biogas cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ tiết kiệm được chi phí đun nấu trong 5 năm khoảng 56 tỷ đồng (tương đương 11,2 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải bằng hầm biogas phổ biến nhất hiện nay vẫn thường xuyên bị quá tải, nhất là khi quy mô chăn nuôi tăng lên. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xử lý môi trường trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao; xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; có chế tài xử phạt để răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại tuân thủ các quy định về xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo công suất, quy trình kỹ thuật, kể cả khi tăng đàn; từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mai Liên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.