Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 14/02/2019
Ngày cập nhật:
15/2/2019
Tính đến ngày 12/2/2019, trang trại (TT) của Công ty CP Thái Việt Swine Line đã được khống chế dịch qua 25 ngày, không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Tiêm phòng trên đàn lợn
Từng bước khống chế
Trên địa bàn tỉnh, dịch LMLM xảy ra đầu tiên trên đàn lợn tại TT của Công ty CP Thái Việt Swine Line thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào ngày 16/01/2019 với 232 con mắc bệnh đã được tiêu hủy.
Thời gian này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành giám sát việc tổ chức xử lý ổ dịch của Công ty Thái Việt Swine Line, cấm các hoạt động xuất, nhập lợn, quản lý người và phương tiện vận chuyển ra vào TT.
Đồng thời sàng lọc cách ly số lượng khỏe mạnh để tiêm phòng nhắc lại vắc xin LMLM; tổ chức tiêu hủy số lợn mắc bệnh trong khuôn viên TT để tránh lây lan mầm bệnh ra bên ngoài; vệ sinh tiêu độc khử trùng (TĐKT) toàn bộ TT.
Chi cục CN&TY cử cán bộ giám sát dịch bệnh hàng ngày đối với số lợn còn lại để tiêu hủy nếu có lợn mắc bệnh mới và phát bệnh sau khi tiêm phòng vắc xin nhắc lại.
Tại huyện Quảng Điền, qua kiểm tra, xác minh của các cơ quan chuyên môn phát hiện 13 con lợn (trong đó 4 lợn nái, 5 lợn thịt và 4 lợn con theo mẹ) trong tổng đàn 37 con lợn (trong đó 6 lợn nái, 5 lợn thịt và 26 lợn con theo mẹ) của 3 hộ tại thôn Bao La, Đức Nhuận và thôn Xuân Tùy xã Quảng Phú bị bệnh với các triệu chứng của dịch LMLM.
Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND xã Quảng Phú báo cáo với Chi cục CN&TY tỉnh và khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, theo dõi đàn lợn ốm và tổ chức rà soát tiêm phòng cho đàn trâu bò, lợn nái và tiêu độc trên địa bàn 2 thôn nói trên; đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện. Đến nay, tình hình cơ bản đã ổn định, chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nhiễm mới trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY, các trường hợp nghi nhiễm rải rác chứ chưa phát triển thành ổ dịch do chưa lây lan đều được theo dõi và báo cáo thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu là do một số con tuy đã tiêm phòng nhưng khả năng tự miễn dịch kém. Vì thế, cần tăng cường miễn dịch cho đàn lợn bằng cách tiêm nhắc lại mũi hai, nhất là ở những hộ nhỏ lẻ...
Hạn chế mầm bệnh lây lan
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, hiện các địa phương tổ chức thực hiện khá tốt công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, lưu thông, giết mổ động vật và sản phẩm động vật; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin vụ xuân 2019. Đến nay, toàn huyện tiêm phòng được 9.040 liều tam liên lợn; 60 liều tụ huyết trùng trâu bò; 1.750 liều vắc xin LMLM cho đàn lợn nái, việc tiêm phòng trên đàn lợn thịt đã và đang được các TT và người dân tập trung hoàn thành.
Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cảnh báo, với điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho virus LMLM phát triển. Người chăn nuôi không được chủ quan mà phải tập trung thực hiện tốt công tác phòng dịch.
Tại khu vực chăn nuôi tập trung, ngoài vệ sinh chuồng trại, TĐKT trong khu vực chăn nuôi, phải mở rộng diện TĐKT, ngăn mầm bệnh từ bên ngoài vào. Các TT, hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng và tiêm nhắc bệnh LMLM, không tàng trữ, vận chuyển gia súc có biểu hiện mắc bệnh LMLM. Khi phát hiện gia súc có triệu chứng bệnh LMLM cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời dập dịch.
Riêng Chi cục CN&TY và các đơn vị cấp huyện vẫn tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát tại các TT, nhất là các TT lớn. Ngoài lực lượng thú y các xã, chính quyền các địa phương từ xã, thôn tham gia giám sát tại địa bàn. Những ngày sau tết, lực lượng thú y tăng cường thêm lực lượng chốt chặn tại các chốt kiểm dịch, lò mổ (thống kê 4 ngày tết có trên 4.000 con lợn được đưa vào lò mổ) nhưng không phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh. Công tác TĐKT tại các địa điểm trên cũng được đảm bảo.
Chi cục CN&TY triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn lợn nái (20.000 liều) và đã thực hiện tiêm phòng 18.600 liều vắc xin cho lợn nái và lợn đực. Đối với lợn thịt thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác tiêm phòng nên hầu hết các TT, nhất là các TT lớn đã tiến hành tiêm phòng và tiêm phòng lần 2 nhằm tăng cường miễn dịch toàn đàn. Vì thế, nguy cơ phát triển thêm ổ dịch mới rất thấp.
Trước, trong và sau tết, Chi cục CN&TY phân phối về các huyện hơn 10 tấn hóa chất TĐKT toàn bộ khu vực. Các địa phương cũng tự trích kinh phí từ nguồn ngân sách thực hiện công tác TĐKT nhằm hạn chế mầm bệnh phát tán.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.