Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 14/02/2019
Ngày cập nhật:
15/2/2019
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực. Bên cạnh những cơ hội, một trong những ngành phải đối mặt với nhiều thách thức nhất khi tham gia hiệp định này là ngành chăn nuôi.
Chăn nuôi tập trung giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo nhiều chuyên gia, yếu tố cốt lõi được xác định để các sản phẩm chăn nuôi giữ được thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu là cần rút được lượng lao động quá lớn trong chăn nuôi quy mô nhỏ để nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong ngành này.
60% rủi ro, 40% thuận lợi
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương đã từng chia sẻ tại một buổi tọa đàm tại Cổng TTĐT Chính phủ về việc ngành chăn nuôi gia nhập CPTPP sẽ đương đầu với nhiều rủi ro. Theo ông đánh giá, nếu so sánh giữa cơ hội và khó khăn với ngành chăn nuôi, tỷ lệ vẫn nghiêng về khó khăn với khoảng 60% (yếu tố thuận lợi chỉ 40%). Cụ thể, trong số các quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ gặp bất lợi về các sản phẩm thịt bò và sữa từ các nước có trình độ chăn nuôi vượt trội là Canada, Australia và New Zealand.
“Rủi ro” này được nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi chỉ mặt, đặt tên rất rõ ràng đó là năng suất lao động trong ngành chăn nuôi quá thấp.
Ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận: "Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng nông dân tham gia vào ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lớn, quy mô nhỏ với gần 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 3 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2 triệu hộ dân chăn nuôi trâu bò. Việc tổ chức, liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn lỏng lẻo, khiến ngành chăn nuôi tiềm ẩn các yếu tố thiếu bền vững".
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra một con số so sánh: Trong khi trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 - 2 lao động thì ở Việt Nam có tới trên 20 lao động. Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... cũng là những thách thức không nhỏ với chăn nuôi Việt Nam.
"Điều dễ thấy là, sản phẩm chăn nuôi từ một số nước như Australia, Canada, Mexico, Malaysia sẽ nhập vào Việt Nam nhiều hơn khi thuế NK giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Trong khi đó, các thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand… lại có hàng rào kỹ thuật tương đối cao. Muốn tiếp cận, mở rộng thị trường XK, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm", ông Sơn nói.
TS. Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ (NN&PTNT) cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất chính từ quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đạt hiệu quả không cao và khả năng nhân rộng thấp.
Cùng với đó là việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn về thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm. Hơn nữa, hiệu quả ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp giữa các vùng miền, giữa các đối tượng tiếp nhận khác nhau do sự khác biệt lớn về điều kiện tự nhiên, nguồn lực, về trình độ chuyên môn, về khả năng đầu tư và quy mô sản xuất.
TS. Ngô Thị Kim Cúc cho biết, Viện đã kết hợp có hiệu quả các mô hình Viện - Trường - Doanh nghiệp, trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để nghiên cứu tạo ra được những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng phải mất thời gian tương đối dài, đặc biệt là các nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi. Do vậy theo TS Cúc thì cần có những chính sách đồng bộ, thông thoáng hơn nữa nhằm phát huy tốt nhất điều kiện của các bên liên kết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Xuân Tiến đi kiểm tra tình hình dịch bệnh chăn nuôi trong dịp Tết Kỷ hợi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Cơ hội trong thử thách
Chăn nuôi hiện nay vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp và liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, khoảng 4-6%/năm; giá trị ngành chăn nuôi khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 5-6% GDP của cả nước. Trung bình mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 5,4 triệu tấn thịt, 10 tỷ quả trứng, 9.000 tấn sữa…
Rủi ro lớn, nhưng sẽ là vội vàng nếu nói ngành Chăn nuôi sẽ thua ngay trên sân nhà trong CPTPP. Vì thực tế, để đáp ứng tiến trình hội nhập, toàn ngành đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, song hành việc gợi mở các cơ chế thúc đẩy đầu tư với tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong thời gian tới.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, để vượt qua thách thức từ CPTPP, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ DN và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...
Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này làm ra sẽ có khả năng cạnh tranh trên "sân nhà". Ngoài ra, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.
Theo như phân tích của Bộ Công Thương, với hai mặt hàng là thịt lợn, thịt gà, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Đây là lộ trình dài hơn nhiều so với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong ASEAN vốn cũng rất cạnh tranh trong việc sản xuất một số loại thịt. Ngoài ra, một số chuyên gia nhìn nhận, trước mắt, thói quen tiêu dùng của Việt Nam đa số là thịt tươi, tới đây sẽ là thịt mát. Thị trường nội địa dành cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh lớn so với các loại thịt đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Xuân Tiến, hiện nay đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi có sự chuyển dịch rất tích cực gắn với tái cơ cấu, ví dụ như vừa qua tại Nam Định đã khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn của Nhà máy Biển Đông DHS có quy mô lớn nhất miền Bắc, sắp tới là nhà máy giết mổ của Masan ở Hà Nam, rồi nhà máy của C.P ở Yên Nghĩa; một số nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu ở phía Nam…
Từ ngày 1/1/2019 Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Thứ trưởng Tiến cho rằng: “Khi thiết kế luật, chúng ta đều phải tính đến thời kì quá độ. Thực tế là số lượng hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đang còn rất nhiều, sinh kế của bà con dựa cả vào đó. Những quy định của chúng ta mang tính chất định hướng, còn các yếu tố thị trường, doanh nghiệp, nhà nước, cơ chế chính sách vẫn phải có bước đệm để họ dần chuyển đổi. Do đó khi luật ra đời chăn nuôi nông hộ chưa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nông hộ cũng đang có sự thay đổi tích cực trong việc tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới, giống, quy mô để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là tín hiệu tốt để luật đi vào thực tiễn”.
Đỗ Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.