• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết chăn nuôi bền vững

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 22/02/2019
Ngày cập nhật: 23/2/2019

Hợp tác xã nông nghiệp An Phú ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) là sợi dây kết nối để các hộ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn, hiệu quả và tìm đầu ra cho sản phẩm. Gia đình anh Vũ Trung Kiên ở khu Chiềng nuôi 2.000 con gà, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, số lượng các gia trại, trang trại ngày càng tăng, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, tự phát có xu hướng giảm. Để ngành chăn nuôi tạo được sự đột phá, phát triển bền vững đòi hỏi người chăn nuôi phải gắn liền sản xuất với tiêu thụ, tạo nên các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng trước khi đến tay người tiêu dùng.

Theo số liệu của Cục thống kê, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 187 nghìn con trâu, bò; 786 nghìn con lợn và trên 13 triệu con gia cầm các loại. Khác với trước đây, các hộ chăn nuôi đã dần chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp, HTX, chăn nuôi theo hướng an toàn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 trang trại, cơ sở liên kết chăn nuôi theo hình thức gia công với 9 doanh nghiệp như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO; Công ty Japfa… Các doanh nghiệp là nhà đầu tư, tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Người chăn nuôi nhận khoán theo định mức, được hỗ trợ một phần cơ bản chi phí ban đầu, chi phí lao động và sản xuất.

Với lợi ích của việc liên kết mà các doanh nghiệp đem lại, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Hơn 3 năm nay, trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm của ông Nguyễn Ngọc Nghiệp ở khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa vẫn duy trì đều đặn mỗi lứa 2.500 - 3.000 con nhờ liên kết chăn nuôi với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Theo cam kết, Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho trang trại. Vì thế, người chăn nuôi chỉ quan tâm thực hiện các khâu chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn và phòng, chống dịch bệnh để vật nuôi đạt tiêu chuẩn khi xuất bán là có lãi. Việc chăn nuôi liên kết theo hình thức gia công tạo được sự an toàn về đầu ra sản phẩm, không phải suy nghĩ đến giá cả thị trường nhưng đây là hình thức liên kết chăn nuôi theo quy trình khép kín, sử dụng trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất...Do đó, đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn đầu tư lớn, quỹ đất rộng; đồng thời, trong quá trình chăn nuôi, người dân phải chú trọng đến các khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của đàn vật nuôi theo yêu cầu của Công ty.

Việc hình thành các hợp tác xã cũng là hình thức liên kết hiệu quả, giúp các hộ chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi. Các HTX sẽ đảm nhận cung cấp dịch vụ đầu vào cho các xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Toàn tỉnh có 6 HTX liên kết chăn nuôi, điển hình như: HTX nông nghiệp An Phú (Thanh Sơn); HTX chăn nuôi Đỗ Sơn (Thanh Ba); HTX cá lồng Thanh Thủy (Thanh Thủy)…

Là HTX trẻ mới thành lập được hơn 2 năm nhưng HTX chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh ở khu 2, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê đã phát huy được sức mạnh và hiệu quả từ liên kết, với sự tham gia của 10 thành viên, chuyên sản xuất các loại lồng nuôi công nghiệp và duy trì đều đặn từ 8.000 - 10.000 cặp chim bồ câu Pháp. Các thành viên tham gia HTX được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và sử dụng thức ăn chăn nuôi cho chim bồ câu theo đúng khẩu phần. Lợi nhuận từ tham gia HTX mang lại, nhiều thành viên đã có động lực mở rộng quy mô sản xuất và coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Theo anh Phan Minh Hồng - Giám đốc HTX, sở dĩ cần liên kết các hộ sản xuất để tạo thành một khối thống nhất, đồng bộ và đảm bảo được sản lượng lớn cung ứng ra thị trường trong thời gian dài. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, các hộ sẽ kiểm soát chéo lẫn nhau, hạn chế các rủi ro từ con giống, thức ăn, dịch bệnh góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm của ông Nguyễn Ngọc Nghiệp ở khu 10, xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa liên kết chăn nuôi với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam duy trì 2.500 – 3.000 con/lứa cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Ở huyện Lâm Thao, các hộ dân nuôi lợn đã thành lập Hội chăn nuôi lợn có 28 thành viên với tổng số vốn 45 tỷ đồng, hoạt động trong từng lĩnh vực như: Kinh doanh nuôi và cung cấp các sản phẩm về lợn; kinh doanh dịch vụ thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm; kinh doanh thuốc thú y… Anh Lê Tùng Lâm - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao cho biết: “Việc thành lập Hội chăn nuôi giúp người dân tạo được sợi dây kết nối trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND huyện khuyến khích các hội tham gia vào Hội chăn nuôi để nắm bắt kịp thời tình hình thực tế giá cả thị trường, phòng, chống dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi”.

Cùng với đó, năm 2017, trên địa bàn huyện Lâm Thao đã xây dựng thành công chuỗi liên kết chăn nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn của gia đình ông Bùi Đức Luận, khu 6, xã Sơn Vi. Ông cho biết, năm 2016, đứng trước nguy cơ gia đình bị thiệt hại hàng tỷ đồng, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, ông đã đầu tư xây dựng khu giết mổ, sơ chế thực phẩm để cung cấp thực phẩm cho các cơ quan, trường học, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện gia đình ông duy trì trên 200 lợn nái và 300- 500 lợn thịt. Sản phẩm thịt lợn sạch đã ký kết hợp đồng cung cấp cho siêu thị Vinmart, Coop- mart…

Có thể khẳng định rằng, các mô hình liên kết trong chăn nuôi bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, giúp người chăn nuôi giải được bài toán về đầu ra sản phẩm, giảm rủi ro. Tuy nhiên, việc liên kết chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: Con giống, giá nguyên liệu đầu vào, trình độ chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, hạn hẹp về nguồn vốn nên việc đầu tư trang trại khép kín, đồng bộ còn hạn chế dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Để giải quyết những khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành thị khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức liên kết; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi có quỹ đất rộng, quy hoạch theo vùng và vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển chuồng trại, xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy trình khép kín, góp phần nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Hà Nhung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang