Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 01/03/2019
Ngày cập nhật:
4/3/2019
Được biết đến là một nghề có triển vọng, mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho không ít gia đình ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), song, trước thách thức của thị trường, việc phát triển bền vững trong chăn nuôi rắn ở địa phương này vẫn là bài toán khó mà chính quyền và nhân dân nơi đây đang tìm giải pháp, trong đó, gắn chăn nuôi với phát triển du lịch.
Nghề nuôi rắn truyền thống tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: Đức Chung
Trở lại Vĩnh Sơn sau hơn 3 năm kể từ thời điểm giá rắn lao dốc năm 2015, những tưởng cơn khủng hoảng giá rắn năm đó sẽ khiến quy mô làng nghề rắn Vĩnh Sơn dần thu hẹp. Thế nhưng, cho đến nay, chăn nuôi rắn vẫn được coi là nghề mang lại nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây với gần 800 hộ làm nghề, chiếm 58% tổng số hộ dân trong xã. Sau khi cơn khủng hoảng giá qua đi, chăn nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có sự chuyển biến tích cực.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Thay vì tập trung chính vào chăn nuôi rắn thương phẩm như trước đây, hiện nay, các hộ chăn nuôi trong xã phát triển mạnh chăn nuôi rắn sinh sản với tổng số rắn bố mẹ đạt hơn 180 nghìn con. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Vĩnh Sơn xuất bán hơn 1,6 triệu quả trứng rắn với mức giá bình quân 80 nghìn đồng/quả.
Trong những năm gần đây, các hộ chăn nuôi trong xã đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rắn. Thay vì chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền thống xưa, nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng chuồng kín, duy trì nhiệt độ ở mức 26 -30oC. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, sản lượng, chất lượng rắn ngày càng được nâng lên. Năm 2018, sản lượng rắn thương phẩm xuất bán trong toàn xã đạt 60 tấn với mức giá 500 - 600 nghìn đồng/kg. Bên cạnh rắn thương phẩm, trứng rắn, trong những năm qua, người dân Vĩnh Sơn đẩy mạnh hoạt động chế biến các sản phẩm từ rắn như: Rượu rắn, nọc rắn, cao rắn và bắt đầu liên kết với các đơn vị làm ra các sản phẩm viên nang.
Được thành lập từ năm 2006, đến nay, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn được biết đến là một trong những đơn vị luôn chú trọng quảng bá hình ảnh rắn Vĩnh Sơn ra thị trường. Ngoài 2 mặt hàng trứng rắn, rắn thương thương phẩm, công ty đẩy mạnh sản xuất rượu rắn.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn cho biết: “Trong khi trứng rắn và rắn thương phẩm chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc thì rượu rắn của công ty lại hướng vào thị trường nội địa, theo các đơn hàng của các hiệu thuốc đông y” Được biết, với việc chú trọng áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường, trung bình, doanh thu của công ty đạt 4 – 5 tỷ đồng/năm.
Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao, song, hiện nay, làng nghề rắn Vĩnh Sơn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Các sản phẩm của làng nghề chưa được đa dạng hóa, các cơ sở chế biến sản phẩm làng nghề chủ yếu mang tính thủ công, công tác quảng bá chưa được quan tâm, chưa được nhiều nước trên thế giới biết đến và vẫn chủ yếu là xuất bán thô. Trong khi đó, đầu ra cho các sản phẩm thô là trứng rắn và rắn thương phẩm hiện nay vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, hiện nay,đầu ra và giá rắn vẫn tương đối thuận lợi cho người chăn nuôi. Song, việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn thông qua đường tiểu ngạch nên khó tránh khỏi bị thương lái Trung Quốc ép giá. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của làng nghề, vấn đề mặt bằng sản xuất cũng là một bài toán khó cho địa phương khi mà chăn nuôi hiện nay vẫn tập trung trong khu dân cư, tận dụng đất ở để làm nghề.
Trước thực tế đó, việc quy hoạch và xây dựng Cụm làng nghề rắn Vĩnh Sơn được cho là giải pháp cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn mà làng nghề đang phải đối mặt hiện nay. Theo thông tin từ UBND xã, từ năm 2006, Vĩnh Sơn đã quy hoạch cụm làng nghề với diện tích theo phê duyệt gần 21 ha. Theo quy hoạch, cụm làng nghề sẽ bao gồm khu chăn nuôi, khu trưng bày, khu chế biến, khu ẩm thực…
Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp, việc thực hiện quy hoạch trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Sau khi bàn giao lại cho huyện, tỉnh, trong năm 2018, tỉnh đã có văn bản giao Sở Công thương chủ trì, tham mưu UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Khi cụm làng nghề được đưa vào hoạt động, không chỉ giải quyết được khó khăn về mặt bằng sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất mà còn tạo điều kiện để địa phương phát triển tham quan du lịch làng nghề”.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh thực hiện quy hoạch cụm làng nghề, chính quyền địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình liên kết với các đơn vị trong chế biến sản phẩm từ rắn; tăng cường chỉ đạo hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn chú trọng bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Tuyên truyền vận động nhân dân chủ động về con giống, gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường, chú trọng chất lượng sản phẩm nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Nguyễn Hường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.