Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 05/03/2019
Ngày cập nhật:
8/3/2019
Những năm qua, chăn nuôi được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh Quảng Trị trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên việc phát triển đàn trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi trâu, bò còn mang tính truyền thống, chăn thả tự do nên xảy ra hiện tượng giao phối cận huyết làm giảm tầm vóc và sức sản xuất của đàn trâu, bò, do vậy dẫn tới hiệu quả kinh tế chăn nuôi trâu, bò chưa cao.
Cần nâng cao thể trạng, tầm vóc đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ảnh: PV
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 93.700 con trâu, bò. Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, giúp người dân chủ động cải tạo con giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn trâu, bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình “Cải tạo đàn gia súc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Năm 2018, thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo thụ tinh nhân tạo được 11.000 con bò, tỉ lệ phối giống thụ tinh nhân tạo đạt từ 90 đến 95%. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, ưu thế lai nổi trội, khối lượng sơ sinh trung bình từ 22 đến 28kg/ con, tăng trọng bình quân 15-17kg/con/ tháng, bê lai 6 tháng tuổi đạt trọng lượng bình quân trên 100kg/con, với giá bán từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/con. Bò 1 năm tuổi có giá khoảng 10 triệu đến 14 triệu đồng, giá bán bò lai cao hơn bò nội từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Như vậy, ước tính một năm có khoảng trên 9.500 bê lai ra đời. Từ chương trình cải tạo đàn bò đã mang về lợi nhuận cao hơn nuôi bò nội cho nông dân toàn tỉnh hơn 20 tỉ đồng/năm.
Anh Phan Văn Bình ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong là một trong những chủ hộ nuôi bò nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống. Anh Bình cho biết: “Gia đình tôi đã áp dụng thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giống. So với thụ tinh truyền thống tôi thấy bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, cân nặng hơn từ 3-4kg, sức đề kháng cũng tốt hơn. Từ kết quả thực tế của gia đình tôi, nhiều hộ dân trong vùng đã đến xem và làm theo. Hiện nay, trong thôn chúng tôi hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo này”. Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn trâu bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với kế hoạch phối giống trên 12.000 con, đặc biệt lần đầu tiên áp dụng đối với đàn trâu với số lượng khoảng 300 con. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 33 dẫn tinh viên, đến thời điểm hiện nay Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên phối được 820 con bò, 10 con trâu.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tư, ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh là một trong những hộ có kinh nghiệm nhiều năm trong nuôi trâu cái. Trước đây, mỗi khi đến kì sinh sản, gia đình anh chủ yếu nhân giống trâu bằng phương pháp truyền thống của địa phương. Năm 2019, gia đình anh triển khai kĩ thuật ứng dụng lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau khi được dẫn tinh viên phối giống cho trâu cái của gia đình, anh được cán bộ kĩ thuật chăn nuôi của Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc trâu cái sau khi được thụ tinh nhân tạo. Thấy việc áp dụng kĩ thuật mới rất dễ dàng, không ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, quá trình thụ tinh nhân tạo cho trâu cái của gia đình thành công, anh rất phấn khởi.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Trung Hậu, ngoài việc tuyên truyền cho người dân chăm sóc thật tốt đàn trâu, bò cái, theo dõi sát sức khỏe đàn trâu, bò để kịp thời phối giống đúng quy trình kĩ thuật, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ kĩ thuật chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc. Việc phát triển đàn trâu, bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong thời gian tới sẽ là hướng đi mới, tạo ra con lai F1, F2 có năng suất, chất lượng tốt.
Việc triển khai chương trình cải tạo đàn trâu, bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu trâu, bò đực giống và thiếu đực giống tốt, giải quyết sự suy thoái đàn trâu, bò đang diễn ra do cận huyết; tạo bước đột phá trong cải tạo tầm vóc thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng trong chăn nuôi trâu, bò lấy thịt theo hướng hàng hóa.
Phan Việt Toàn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.