Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 05/03/2019
Ngày cập nhật:
9/3/2019
Nuôi gà thả vườn là mô hình chăn nuôi khá phổ biến trên địa bàn xã Hướng Đạo (Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) những năm qua. Từ hình thức chăn nuôi tận dụng phế phẩm trong vườn nhà với số lượng đàn vật nuôi nhỏ lẻ, đến nay, mô hình này đang ngày càng được nhiều nông hộ trên địa bàn phát triển quy mô lớn, theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.
Gia đình ông Phùng Sơn Hảo, thôn Giếng Mát, xã Hướng Đạo (Tam Dương) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Tam Dương có 393 trang trại và hơn 1.600 gia trại; đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh với quy mô trên 1.600 con trâu, hơn 14.500 con bò và trên 3,5 triệu con gia cầm. Tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt trên 1.600 tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ và chiếm trên 25% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn.Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học đang được nhiều nông hộ trên địa bàn xã Hướng Đạo phát triển, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khuôn viên vườn rộng hơn 7.000m2 đang là nơi chăn nuôi 3.000 con gà ta lai của gia đình anh Nguyễn Thứ Trưởng, thôn Cổng Sau, xã Hướng Đạo. Trang trại của gia đình anh Trưởng có 3 khu chuồng, phục vụ cho kế hoạch nuôi gối để có gà xuất bán ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Ngoài tư duy nhạy bén thì yếu tố chính giúp anh chinh phục được thị trường khó tính chính là chất lượng đàn vật nuôi.
Theo đó, khi gà được 2,5 tháng, anh thay đổi khẩu phần ăn của chúng và kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tháng so với thông thường, thay thế cám tổng hợp bằng thức ăn tự chế, trong đó 70% là thức ăn thô xanh và 30% là ngô hạt phối trộn với một lượng men tiêu hóa hợp lý, bằng cách này mỗi cân cám anh tiết kiệm được 1.000 đồng chi phí, lại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trưởng cho biết: Nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học giúp tỷ lệ hao hụt đàn rất thấp, gà phát triển khá đồng đều, độ chênh lệch trọng lượng không cao. Tới khi xuất chuồng, trọng lượng trong thời gian nuôi 3 tháng đạt từ 1,8 – 2kg; chất lượng thịt có độ dai, săn chắc, vị ngọt tự nhiên khi chế biến.
Năm 2010, gia đình ông Phùng Sơn Hảo, thôn Giếng Mát nuôi gà ta thả vườn quy mô lớn. Với diện tích gần 4.000m2, vườn nhà ông Hảo thường xuyên duy trì tổng đàn ở mức 2 nghìn con. Tuy nhiên, ông Hảo lại không bị áp lực tiêu thụ như các nông hộ khác đang gặp phải. Bởi, thay vì đổ xô ra chợ bán, ông Hảo lại có hợp đồng tiêu thụ với rất nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện và cả các đầu mối ngoại tỉnh.
Chia sẻ về bí quyết giúp gia đình luôn có đầu ra ổn định, ông Hảo cho biết: Sau 3 tháng đầu cho gà ăn cám công nghiệp hoàn toàn, gia đình ông chuyển sang phối trộn ngô, đậu tương, men sinh học... để cho gà ăn. Để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, lúc này ông có trộn thêm một lượng vitamin và khoáng chất được tính toán theo định lượng thức ăn của từng lứa tuổi gà, cho ăn trong 5 – 7 ngày liên tục.
Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng để đảm bảo khi gà xuất chuồng đạt chất lượng thịt tốt nhất, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Với gần 8.000 gà xuất chuồng mỗi năm, gia đình ông Hảo đem về doanh thu khoảng 300 triệu đồng, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao.
Vừa cho đàn gà ăn, ông Hảo vừa hào hứng chia sẻ: Thời gian nuôi gà bằng cám tự phối trộn dài hơn nuôi gà bằng cám công nghiệp từ 1 – 1,5 tháng, đổi lại chi phí thức ăn theo phương pháp này giảm được từ 15 - 17%, đặc biệt gà khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Ngoài ra, việc cân đối nhu cầu dinh dưỡng; sử dụng men tiêu hóa hợp lý giúp đào thải dư lượng trong con gà rất tốt… Từ đó, giúp chất lượng gà thịt tốt hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo cho biết: Theo thống kê, toàn xã Hướng Đạo có trên 80% hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi gà, với quy mô trên 100 trang trại gà, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Riêng mô hình nuôi gà ta lai thả vườn theo hướng an toàn sinh học phát triển mạnh vài năm trở lại đây, giúp nhiều hộ chăn nuôi thành công. Người chăn nuôi ngày nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tự cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, phục vụ cộng đồng.
Với hiệu quả về kinh tế và môi trường mà mô hình này đem lại, thời gian tới, chính quyền địa phương hy vọng các cấp, ngành quan tâm cho xây dựng thương hiệu gà an toàn sinh học, tạo dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh Ngọc Lan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.