• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chủ động thức ăn cho trâu, bò mùa khô hạn

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 08/03/2019
Ngày cập nhật: 10/3/2019

Mùa khô nắng nóng kéo dài, lượng nước ngầm tại các sông, suối và giếng giảm mạnh không chỉ gây thiệt hại cho các loại cây trồng mà còn ảnh hưởng lớn đến gia súc, gia cầm. Nhằm chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò vào mùa khô, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã áp dụng một số phương pháp như trồng cỏ, ủ chua thức ăn, rơm ủ urê, phơi khô, trữ cỏ, rơm...

Ông Trương Văn Sanh ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi, nuôi bò đã 4 năm nay cho biết: “Mùa nắng, đàn trâu, bò dễ mắc bệnh do thiếu thức ăn và nước uống làm sức đề kháng giảm. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho 8 con bò của gia đình, tôi đã trồng 2 sào cỏ voi, đây là loại cỏ chịu hạn tốt và nhiều chất dinh dưỡng. Ngoài ra, gia đình tôi còn mua thêm bột mì, cám, bắp xay, rơm khô để bổ sung chất dinh dưỡng cho bò trong mùa nắng”. Ông Sanh cho rằng, vào mùa khô, thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường, chuồng nuôi tăng cao và thay đổi đột ngột là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, nguồn thức ăn cho gia súc bắt đầu khan hiếm, lượng thức ăn xanh tại các cánh đồng tự nhiên cũng không đáp ứng đủ cho gia súc. Thế nên, hầu hết các hộ chăn nuôi đã thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên, chủ động dự trữ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc khi đỉnh điểm mùa khô đến gần.

Anh Hoàng Văn Tướng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi (Đồng Phú) trồng hơn 1 sào cỏ để chủ động thức ăn xanh cho đàn bò trong mùa nắng nóng

Tương tự, anh Hoàng Văn Tướng cùng ở ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi, trồng hơn 1 sào cỏ tươi và vài chục cây chuối bên hàng rào để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Để cỏ tươi phát triển tốt, cung cấp lượng thức ăn đủ cho đàn bò, anh chủ động lắp hệ thống tưới tự động và bổ sung phân bón cho cỏ. Ngoài ra, anh còn ủ ướp thức ăn, đây là loại thức ăn được tạo ra thông qua quá trình dự trữ các loại thức ăn thô xanh dưới hình thức ủ chua. Nhờ ủ chua, anh có thể bảo quản thức ăn trong thời gian dài, nhất là thời điểm khan hiếm cỏ tự nhiên. Ngoài đảm bảo chất dinh dưỡng so với phơi khô thì ủ chua còn làm tăng khả năng tiêu hóa của thức ăn, do các chất khó tiêu trong thức ăn chuyển sang dạng dễ tiêu. Thông thường anh Tướng ủ chua các loại thức ăn xanh, thân, lá cây bắp, cỏ voi, cỏ tự nhiên và trong quá trình ủ anh cho thêm mật đường, muối.

Gia đình anh Hoàng Văn Mười ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến hiện nuôi 5 con trâu, 5 con bò. Gặt lúa mùa xong, anh tranh thủ phơi rơm khô, cuộn lại, che chắn cẩn thận để làm thức ăn cho trâu bò trong mùa khô. Gia đình anh còn trồng xen bắp, mì, chuối trong vườn cao su, là nguồn thức ăn dồi dào cho trâu, bò. Anh Mười cho hay: “Tôi thuê 4 sào đất vùng trũng, cạnh kênh thủy lợi trồng lúa cung ứng nhu cầu của gia đình và chăn nuôi, chủ động rơm rạ nuôi trâu, bò vào mùa khô. Rơm khô nếu được chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt, thay thế thức ăn tươi trong mùa khô hạn”.

Như vậy, ngoài phát triển đồng cỏ thâm canh thì việc sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm từ cây trồng làm thức ăn cho đại gia súc cũng là giải pháp quan trọng. Do đó, cần phát triển mạnh hơn nữa kỹ thuật chế biến, bảo quản nguồn thức ăn cho trâu, bò nhằm ứng phó với tình hình hạn hán.

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Đồng Phú khoảng 2.778 con. Đồng hành với người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm vào mùa khô, thời gian qua, cán bộ chăn nuôi, thú y trong huyện đã hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tận dụng mọi nguồn nước có thể dùng làm nước uống cho đàn gia súc; trồng các giống cỏ có khả năng chống chịu hạn cao làm thức ăn cho gia súc; tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau, cỏ tươi, đạm... Đặc biệt, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, chủ động tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm... Khi thời tiết nắng nóng hạn chế thả gia súc ra đồng. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi... là những tác nhân truyền và gây bệnh cho gia súc trong mùa khô. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm gia súc ốm, bị bệnh để cách ly, có biện pháp điều trị, xử lý kịp thời, tránh bệnh lây lan diện rộng.

Nhung Hiền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang