• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Những ‘bông hồng’ nuôi bò sữa giỏi

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 08/03/2019
Ngày cập nhật: 11/3/2019

Mô hình chăn nuôi bò sữa chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan. Trong đó, nhiều phụ nữ là trụ cột đã có thêm thu nhập, làm giàu từ con bò sữa.

Chị Tỷ chăm sóc đàn bò sữa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Mai

Sáng sớm, chị Trịnh Thị Gấm, ấp Bến Vựa Bắc, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) phải tất bật lo vắt sữa rồi chở đến Trạm thu mua đặt ở xã An Bình Tây để bán. Gần 3 năm qua, gia đình chị tham gia vào Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh nên luôn tất bật với công việc chăm sóc, vắt sữa.

Chị Gấm cho biết: “Gia đình tôi tham gia vào dự án ban đầu chỉ có 5 con bò sữa nay đã tăng lên 7 con, trong đó 6 con đang cho sữa”.

Hiện tại, mỗi ngày gia đình chị thu lợi nhuận gần 700 nghìn đồng từ chăn nuôi bò sữa. Thấy thu nhập khá cao, đầu ra ổn định, gia đình chị Gấm dự kiến xây dựng thêm chuồng, mua con giống để tăng đàn.

Gần đó, chị Đào Thị Thu Cúc cũng cùng chồng phân chia công việc hàng ngày để chăm sóc đàn bò sữa. Chị Cúc tâm sự: “Việc chăm sóc bò sữa cực hơn so với bò thịt vì phải cho ăn đúng giờ, rồi vắt sữa, vệ sinh chuồng kỹ nên khá vất vả. Tuy nhiên, ngày nào cũng cho thu nhập ổn định nên hai vợ chồng cùng đồng lòng làm để phát triển kinh tế gia đình”.

Nhờ phát triển nghề chăn nuôi bò thịt rồi đến bò sữa, kinh tế gia đình chị Cúc rất ổn định, xây cất nhà kiên cố và lo cho 2 đứa con ăn học. Trung bình mỗi tuần gia đình chị thu lãi khoảng 4 triệu đồng từ 8 con bò đang cho sữa.

Tại ấp An Hòa, xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, chị Phạm Thị Tỷ được xem là “kiện tướng” nuôi bò sữa mang lại hiệu quả rất cao. Hai vợ chồng chị Tỷ chăm sóc 34 con bò sữa và có sự phân công lao động rất rạch ròi. Hàng này, chồng phụ trách việc chăm sóc, cho bò ăn, quét dọn chuồng. Chị Tỷ cắt cỏ, vắt sữa, chở đến trạm bán sữa, kháp rượu để lấy hèm cho bò ăn... Cả hai vợ chồng đều siêng năng lao động nên mô hình nuôi bò sữa rất hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Đến nay, đàn bò sữa đã phát triển lên 34 con, trong đó 10 con đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu từ 140 - 150kg sữa, bán được hơn hai triệu đồng. Hiện tại, hệ thống chuồng trại của gia đình chị Tỷ được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy mô trang trại khép kín từ việc trồng cỏ cho bò ăn đến xử lý phân bằng hầm biogas, phân bò sau đó được ủ để bón lại cho đồng cỏ...

“Nhờ phân công lao động nên hai vợ chồng quản lý đàn bò rất tốt. Sắp tới, gia đình dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng, mua thêm bò giống để tăng đàn theo quy mô trang trại. Khi đàn bò tăng, gia đình có thể thuê thêm nhân công tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình” - chị Tỷ cho biết

Bà Trần Thị Tuyết Anh, Điều phối viên Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh cho biết: “Dự án có 1.310 hộ dân tham gia. Hộ gia đình nào người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng và quyết định sự thành công của mô hình. Khi cả hai vợ chồng đồng thuận, cùng phân chia công việc để chăm sóc đàn bò sữa thì hiệu quả mang lại rất cao. Nhiều gia đình sau thời gian nuôi hiệu quả đã mạnh dạn phát triển đàn, làm giàu từ nghề nuôi bò sữa. Khi nông dân tham gia sẽ được dự án hỗ trợ cho mượn bò sữa giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi. Ban quản lý dự án thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, quản lý dịch bệnh, thực hiện các mô hình trồng cỏ sả, cỏ voi lai; đưa công nghệ máy băm cỏ, máy vắt sữa vào sử dụng... để giúp hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao”.

Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2015 - 2019 được triển khai từ tháng 2-2015, với mục tiêu phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện Ba Tri, nhằm nâng cao thu nhập, tiến tới ổn định sinh kế bền vững, cải thiện cuộc sống của người chăn nuôi. Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án trên 98,2 tỷ đồng, trong đó tổ chức Heifer (Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động xóa đói giảm nghèo) hỗ trợ 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng và vốn đối ứng của các hộ dân tham gia khoảng 62 tỷ đồng.

Sau thời gian triển khai thực hiện, hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan. Số hộ dân tham gia và tổng đàn ngày càng tăng. Ban đầu Dự án đã triển khai tại một số xã của huyện Ba Tri, sau đó mở rộng sang địa bàn huyện Giồng Trôm.

Hiện tại, có 16 xã của huyện Ba Tri và ba xã của huyện Giồng Trôm tham gia Dự án, với tổng số 2.432 con bò nền (bò tại địa phương được lai với bò sữa), 1.796 con bò sữa, trong đó 359 con bò đang cho sữa. Đến nay có 1.310 hộ dân trực tiếp tham gia, với số lượng bò sữa trung bình của một hộ từ 3 - 60 con, thu nhập bình quân khoảng 52,2 triệu đồng/con/năm.

Hoàng Mai

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang