Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/01/2019
Ngày cập nhật:
7/1/2019
Khoảng nửa năm nay, giá bò tăng trở lại nên người chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh Phú Yên đã bắt đầu khôi phục, tăng đàn nuôi. Để có hiệu quả, bà con tập trung phát triển các giống bò lai chuyên thịt và thực hiện nhiều phương pháp vỗ béo bò.
Khôi phục đàn
Sau một thời gian dài bò mất giá, khoảng nửa năm nay, giá bò bắt đầu tăng trở lại, chăn nuôi có lãi nên người dân khôi phục, tăng đàn nuôi. Ông Trần Văn Sáu ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: Sau hơn 2 năm liền bò sụt giá, chăn nuôi thua lỗ, gia đình tôi đã bán bớt đàn bò thịt, chỉ giữ lại nuôi 2 con bò cái sinh sản coi như của để dành.
Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, giá bò tăng dần, chăn nuôi bắt đầu có lãi nên gia đình tôi đang gầy lại đàn. Ngoài số bò có sẵn, tôi cũng mua thêm 2 con bê lai với giá 35 triệu đồng để nuôi. Hy vọng giá bò sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ giá như hiện nay để bà con an tâm đầu tư sản xuất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), sau 1 năm nuôi vỗ béo, gia đình bà vừa bán 1 con bò thịt với giá 30 triệu đồng, trừ các chi phí con giống, thức ăn còn lãi được 7 triệu đồng, là mức lãi tốt nhất trong 2 năm trở lại đây. Chính vì vậy, nên sau khi xuất bán, gia đình bà đã đặt mua lại 2 con bê lai chuyên thịt để tiếp tục nuôi vỗ béo. Nếu giá bò tiếp tục ổn định thì sau 1 năm nuôi, 2 con bê này sẽ cho lãi hơn chục triệu đồng.
Đặc biệt hiện nay, khi tập trung khôi phục đàn bò, người chăn nuôi rất quan tâm đầu tư con giống, nhất là các giống bò lai chất lượng cao, giống chuyên thịt... Bà Trần Thị Sáu ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) cho biết: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, gia đình tôi đầu tư chuyển đổi toàn bộ đàn giống, từ giống bò cỏ và bò lai Sind sang các giống bò chuyên thịt như bò Pháp, BBB.
Mặc dù con giống các loại này có giá khá cao, bình quân khoảng 20 triệu đồng/con (khoảng 6 tháng tuổi) nhưng đổi lại các giống bò lai này có hình thể đẹp, khung xương to, đùi mông nảy nở nên phát triển rất nhanh, tỉ lệ thịt cao bán được giá.
Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, nhờ bò có giá trở lại nên người chăn nuôi trên địa bàn đã khôi phục lại đàn trâu, bò. Tổng đàn bò toàn huyện có khoảng 25.800, đàn trâu có 2.350 con.
“Nhằm hỗ trợ bà con ổn định chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất, huyện Phú Hòa đã hỗ trợ hơn 1.000 liều tinh bò các loại giống chất lượng như BBB, Lymousin và Charolaise cho người chăn nuôi để họ thực hiện thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng đàn bò”, ông Siêng nói.
Nuôi bò thâm canh
Ngoài đầu tư giống, người chăn nuôi bò còn áp dụng nhiều hình thức thâm canh để tăng hiệu quả chăn nuôi. Ông Y Thoàng ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) cho biết: Lúc trước, gia đình tôi chỉ nuôi giống bò cỏ ở địa phương với hình thức chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cỏ tự nhiên nên đàn bò chậm lớn, hiệu quả chăn nuôi thấp.
Từ khi được Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn chuyển đổi con giống, thay đổi hình thức nuôi, chúng tôi đã bán hết đàn bò cỏ, đầu tư nuôi 6 con bò lai chuyên thịt BBB và Lymousin. Đồng thời, gia đình cũng làm chuồng nhốt bò, dành hơn sào đất để trồng cỏ làm lấy thức ăn.
Nhờ có thể trạng to lớn, lại được ăn đầy đủ nên đàn bò lớn nhanh, to khỏe. Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, là địa phương có nghề nuôi bò khá phát triển với tổng đàn khoảng 18.000 con, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng một số kỹ thuật để thâm canh, tăng hiệu quả sản xuất.
Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ phát triển các giống bò lai chất lượng cao, mô hình trồng cỏ nuôi bò, kỹ thuật bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, nhờ vậy bà con đã dần thay đổi tập quán, thói quen chăn nuôi.
Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng, ngoài việc chủ động nguồn thức ăn, bà con còn nấu cháo cám để vỗ béo bò. Ông Huỳnh Văn Hồng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Ngoài thức ăn thô xanh, tôi còn nấu cháo cám gạo, mật mía để bổ sung dinh dưỡng cho bò. Nhờ vậy, bò rất mau lớn, tỉ lệ thịt cao. Mới đây, tôi vừa bán 1 con bò thịt được 35 triệu đồng, trừ chi phí trong 2 năm chăm sóc lãi được gần 10 triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, việc chăn nuôi bò có bước chuyển biến tích cực, người dân đã chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh. Hầu hết các hộ nuôi bò đã xây dựng được chuồng trại để nuôi nhốt bò, hạn chế tình trạng chăn thả rông như trước đây.
Cùng với đó, người dân còn dành nhiều diện tích để trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn nên không còn phụ thuộc nhiều vào đồng cỏ tự nhiên như lúc trước, giảm hẳn tình trạng bò bị thiếu đói.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.