• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Các trang trại lao đao vì bệnh dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 25/03/2019
Ngày cập nhật: 26/3/2019

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tác động xấu đến thị trường tiêu thụ lợn. Giá lợn hơi giảm mạnh cộng với việc khó tiêu thụ khiến những người chăn nuôi lợn, nhất là các trang trại, gia trại ở trong tỉnh như “ngồi trên đống lửa” và lao đao về kinh tế.

Việc xuất bán lợn tới tuổi xuất chuồng của nhiều trang trại nuôi lợn gặp khó khăn

Trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương tại Thái Bình ngày 19/3, ông Nguyễn Văn Nghiên, Quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, giá bán lợn thịt hơi những ngày qua tại tỉnh đã giảm mạnh. Cụ thể, giá lợn cỏ (F1) có giá từ 29.000 – 31.000 đồng/kg; lợn áp siêu (3/4 hoặc 7/8 máu ngoại) giá từ 32.000 – 33.000 đồng/kg; lợn ngoại mới giá 36.000 – 40.000 đồng/kg.

Giá bán lợn con sau cai sữa cũng giảm nhiều: lợn F1 giá từ 400.000 – 410.000 đồng/con; lợn F2 và F3 giá giao động từ 500.000 – 550.000 đồng/con. Dù giá lợn rẻ nhưng việc tiêu thụ của các hộ chăn nuôi gặp khó khăn dẫn tới tồn đọng một lượng lớn lợn đã đến kỳ xuất chuồng ở các địa phương vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Ngoài sức tiêu thụ của thị trường thấp, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do việc kiểm soát vận chuyển lợn xuất phát từ vùng có dịch và những địa phương có dịch yêu cầu tạm dừng hoạt động giết mổ kinh doanh để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Cũng như nhiều hộ làm nghề giết mổ lợn ở xã Hòa Bình (Vũ Thư), những ngày qua ông Bùi Văn Tám ở thôn Quyết Thắng gặp khó khăn trong việc kinh doanh thịt lợn vì bệnh dịch tả lợn châu Phi tác động.

Ông Tám cho biết: Trước khi có dịch, mỗi ngày gia đình tôi giết mổ từ 3 – 4 con lợn, nhưng nay cố gắng lắm cũng chỉ dám giết mổ 1 con lợn/ngày. Lý do là sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh, dù giá thịt lợn hiện nay chỉ từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, giảm 20.000/kg so với trước nhưng cũng rất ít người mua, vì thế có làm ra nhiều cũng không biết bán cho ai. Chúng tôi chỉ giảm thu nhập thôi, thương nhất là nhiều hộ trang trại, gia trại chăn nuôi hàng nghìn con lợn đến kỳ xuất chuồng mà không bán được, mỗi ngày vừa phải gánh chi phí thức ăn, tốn công sức, vừa lo lợn ốm, chết vì dịch tả lợn châu Phi.

Thái Bình là tỉnh có tổng đàn lợn nhiều đứng thứ 4 của nước và đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu của Cục Thống kê, toàn tỉnh có 634 trang trại, 6.554 gia trại và khoảng 75.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Ước tính hiện nay, tổng đàn lợn có khoảng 970.000 con; trong đó có 179.000 con lợn nái, đực giống, 521.000 con lợn thịt và khoảng 270.000 lợn con, lợn sữa. Điều đáng lo nhất là khoảng 250.000 con lợn thịt, trọng lượng bình quân từ 100 – 110kg/con đã đến tuổi xuất chuồng đang bị ùn ứ khó tiêu thụ. Việc tiêu thụ lợn thịt của người dân trong tỉnh thời điểm cao nhất chỉ đạt 40% sản lượng, còn lại được xuất bán ra tỉnh ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, sức tiêu thụ của người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh khác giảm và việc xuất bán lợn ra thị trường ngoài tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn khiến cho người chăn nuôi lợn thực sự bế tắc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ trang trại nuôi lợn ở thôn Công Bình, xã Bình Ðịnh (Kiến Xương) cho biết: Hiện nay, trang trại đang có 3.000 con lợn; riêng lợn đạt biểu 110 – 120kg/con có hơn 700 con. Việc không bán được lợn thịt là nỗi lo lớn nhất hiện nay vì mỗi ngày gia đình phải chi phí 20 triệu đồng tiền cám và 6 triệu đồng tiền điện, tiền hóa chất xử lý môi trường, tiền chi trả nhân công lao động. Mỗi tháng, đàn lợn nái của trang trại đẻ khoảng 400 con. Nếu việc xuất chuồng lợn thịt đúng kỳ sẽ thuận lợi cho việc đưa lợn con vào nuôi thay thế. Nhưng với tình trạng ùn ứ lợn thịt và cả lợn con thì trang trại đang bị quá tải dẫn tới chi phí tăng vọt và khó có thể xử lý được chất thải chăn nuôi, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Không riêng chị Tâm, hơn 1.200 trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình trạng quá tải đang tạo áp lực cho môi trường; đồng nghĩa với đó, nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh cho đàn lợn là rất lớn. Mặc dù cho tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có trang trại nuôi lợn nào phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng nếu khó khăn trong tiêu thụ lợn thịt còn kéo dài thì chưa biết các trang trại có đủ sức phòng, tránh bệnh dịch này không. Các hộ chăn nuôi lợn đang mong các cơ quan chức năng vào cuộc, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn, mà sử dụng lợn rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để hỗ trợ người chăn nuôi lợn.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố họp với các tổ chức, cá nhân giết mổ lợn trên địa bàn giới thiệu mua lợn thịt khỏe mạnh của các trang trại, gia trại để tiêu thụ, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng bản chất của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh tình trạng thiếu hiểu biết dẫn tới hoang mang, tẩy chay sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chốt kiểm dịch động vật kiểm tra chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển tiêu thụ lợn khỏe, có chứng nhận kiểm dịch động vật và rõ nguồn gốc xuất xứ. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có các chương trình, giải pháp cụ thể, thông thoáng để hỗ trợ tiêu thụ lợn khỏe mạnh đến tuổi xuất chuồng của Thái Bình.

Khắc Duẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang