Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 30/03/2019
Ngày cập nhật:
1/4/2019
Ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn giảm sâu, người tiêu dùng tìm kiếm nguồn thực phẩm thay thế. Chính điều đó khiến thời gian gần đây, giá các loại gia cầm tăng cao.
Gà lai kiến lông vàng là giống gà chủ đạo được người nuôi lựa chọn
Cuối năm 2018, người chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà lâm vào tình trạng khó khăn bởi nguồn giống lẫn chi phí thức ăn ở mức cao trong khi giá gà thịt lại ở mức thấp. Có thời điểm nguồn cung gà giống khan hiếm. Hơn nữa, trên thị trường, tình trạng “xâm chiếm” của các loại gia cầm đến từ các tỉnh, thành khác khiến người nuôi trong tỉnh lao đao.
Tuy nhiên nửa tháng trở lại đây, người chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại, gia trại ở các địa phương trên địa bàn tỉnh lại phấn khởi bởi đầu ra ổn định. Thậm chí giá tăng nhưng đầu ra lại thiếu hụt. Trang trại của bà Phạm Thị Chánh, xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) có quy mô đàn gà hơn 2.000 con, đàn vịt cũng trên 1.000 con. Sau khi xuất bán lứa gà và vịt vừa qua, bà thả thêm 2.000 con vịt lẫn gà. Nếu như trước đây, trang trại bà Chánh đến kỳ thu hoạch phải đang loay hoay tìm đầu ra, thì nay, gà lẫn vịt không đủ nguồn cung cho thị trường.
Bà Chánh cho rằng, một con gà từ khi thả giống đến lúc xuất bán với trọng lượng trên 1 kg phải nuôi trong vòng 3 tháng và tiêu tốn chi phí khoảng 50 – 55 nghìn đồng/con. Hơn 1 tháng trước nếu theo tính toán của bà Chánh, với mức giá 55 nghìn đồng/kg, bà cầm chắc lỗ. “Người nuôi gia cầm nói chung và nuôi gà nói riêng từ trước đến nay luôn khó khăn về đầu ra. Ngoài ra, so với các vùng nuôi công nghiệp ở các tỉnh phía Nam như Bình Định, Đồng Nai, tụi tui nuôi quy mô nhỏ hơn nhiều, trong khi gà các tỉnh nhập vào Huế rất lớn, khiến gà trong tỉnh bị ép giá”, bà Chánh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trang trại, gia trại nuôi gà ở các địa phương chủ yếu nuôi giống gà lai kiến lông vàng. Đây là loại gà có chất lượng thịt khá thơm ngon. Đến thời điểm hiện tại, giá gà đã tăng xấp xỉ khoảng 60 nghìn đồng/kg. “Một tháng trước, gà chỉ có giá khoảng 53 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng từ 4.000-5.000 đồng. Dù giá cao nhưng có nhiều trang trại, gia trại không đủ gà để bán. Việc giá gà tăng cũng do nhu cầu của thị trường. Thừa Thiên Huế đang trong vùng dịch tả lợn châu Phi nên người sử dụng hạn chế mua thịt lợn và thay thế thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày bằng các loại thực phẩm khác, trong đó có gia cầm. Ngoài ra, thời điểm này, nhu cầu về gà để phục vụ cho cúng cấp nhiều nên gà khan nguồn cung là điều dễ hiểu”, ông Hồ Đăng Định, Chi hội trưởng Chi hội Trang trại xã Quảng Vinh cho hay.
Vịt là loại gia cầm tăng giá mạnh thời gian gần đây
Ngoài gà, vịt là loại gia cầm tăng giá cao, hiện nay, giá vịt tăng đến 40-50 nghìn đồng/con. “Vịt thường nuôi trong vòng khoảng 2 tháng là có thể xuất bán. Tui vừa xuất lứa vịt 400 con với giá 120 nghìn đồng/con. So với lứa vịt trước, mức giá tăng 40 nghìn đồng/con. Sau khi xuất bán, tui chuẩn bị thả lứa mới”, bà Nguyễn Thị Cẩm (xã Vinh Thái, huyện Phú Vang) chia sẻ.
Mặc dù giá gia cầm tăng, song theo ông Hồ Đăng Định, đối với các trang trại, gia trại có quy mô lớn, thông thường trong quá trình nuôi đều xảy ra hao hụt. “Với người chăn nuôi gia cầm hao hụt trong quá trình nuôi là điều khó tránh khỏi, nên người nuôi cần hạn chế và tăng cường chăm sóc, bởi ảnh hưởng đến thu nhập sau khi xuất bán. Trên thị trường hiện cũng có nhiều chủng loại gà như, gà lai đá, gà lai kiến, gà kiến, gà tam hoàng, gà công nghiệp... mỗi loại có một mức giá khác nhau. Khó khăn của người nuôi chính là việc cạnh tranh giá cả với các loại gà được nhập từ Bình Định, Phú Yên”, ông Định nói.
Hiện nay, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, toàn tỉnh tổng đàn gia cầm có khoảng gần 3 triệu con, trong đó tổng đàn gà vẫn giữ ổn định trên 2 triệu con. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết: “Khảo sát tại các trang trại, gia trại chăn nuôi cũng như các ngôi chợ, giá gia cầm đang tăng mạnh, điều này có lợi cho người nuôi. Giá tăng phần lớn do du cầu thị trường lớn. Không chỉ gia cầm, giá thịt bò cũng tăng cao”.
Liên quan đến việc người tiêu dùng đang hạn chế sử dụng thịt lợn, thay vào đó là các loại thực phẩm khác, theo đó giá lợn giảm sâu, người nuôi lớn khốn đốn, ông Hưng nói: “Người tiêu dùng cần hiểu đúng về bản chất của dịch tả lợn châu Phi và không nên tẩy chay thịt lợn. Hãy sử dụng thịt lợn an toàn, rõ nguồn gốc, giúp người nuôi vượt qua khó khăn giai đoạn này”.
Bài, ảnh: L.Thọ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.