• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Du mục theo mùa hoa

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 09/04/2019
Ngày cập nhật: 10/4/2019

Hằng năm, mùa cao su thay lá đến thời điểm cây ra lá non, đơm hoa (từ cuối tháng 12 đến khoảng tháng 4 năm sau), đi sâu vào nông trường hoặc rẫy cao su của các đơn vị, người dân trong tỉnh Bình Phước, không khó để bắt gặp những lều trại nhỏ của người làm nghề nuôi ong lấy mật từ các địa phương khác đến. Không chỉ mang lại thu nhập “khủng”, những chủ đàn ong này cũng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

LẮM TIỀN NHƯNG NHIỀU RỦI RO

Nuôi ong lấy mật được coi là nghề khá vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu như thời tiết ủng hộ, những mùa hoa đều đặn thì bầy ong sẽ no mật và cho chất lượng, sản lượng mật thơm ngon. Còn nếu hoa mất mùa cũng đồng nghĩa mất mùa mật ong. Bên cạnh đó, người nuôi còn đối mặt với việc ong bị bệnh, dịch tự cắn lẫn nhau rồi chết, giá cả thị trường biến động... Tuy nhiên nếu thuận lợi, nghề nuôi ong sẽ mang lại nguồn thu nhập “khủng”, đó cũng là điều khiến nhiều người chấp nhận theo nghề lắm tiền nhưng cũng không ít rủi ro này.

Những người địa phương tham gia quay ong cho gia đình ông Nguyễn Mạnh Hà

Một ngày cuối tháng 3, từ thành phố Đồng Xoài, chúng tôi đến khu di tích lịch sử cách mạng Phú Riềng Đỏ, xã Thuận Phú (Đồng Phú). Chỉ cách khu di tích vài trăm mét, 1 lều nhỏ được dựng tạm bợ, xung quanh là hàng trăm thùng ong mật đặt thẳng hàng, các đàn ong vo ve bay khắp hướng để kiếm thức ăn. Ngồi nghỉ sau khi kiểm tra các thùng ong, ông Nguyễn Mạnh Hà (60 tuổi), quê Bình Thuận chia sẻ: “Trước đây, tôi là kỹ sư nông nghiệp, cũng từng trồng, nuôi nhiều loại cây, con và cơ duyên đến với nghề nuôi ong đã 6 năm. Thấy nhiều anh em, bạn bè thành công từ nghề này nên vợ chồng tôi cùng đứa con trai năm nay gần 20 tuổi quyết định làm theo”.

Với những người làm nghề nuôi ong lấy mật, việc phải liên tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí từ miền này qua miền khác là chuyện hết sức bình thường. Rong ruổi khắp nơi, họ tìm những địa điểm thích hợp, theo những mùa hoa của các loại cây như cà phê, tràm, nhãn, vải, chôm chôm, cao su... để đàn ong đi kiếm ăn, sản xuất ra những giọt mật vàng sánh, an toàn.

6 năm qua, năm nào ông Hà cũng về Bình Phước, do ở đây nguồn mật hoa cho ong khá dồi dào từ các vườn cà phê, cao su và gần đây còn rất nhiều loại cây ăn trái khác cũng phát triển mạnh. “Mật cao su nhiều năm nay luôn được đơn vị thu mua đánh giá cao vì không chỉ sạch mà còn có vị ngọt đặc trưng riêng. Cao su cũng là một trong số cây trồng ít phải chịu tác động của các loại thuốc bảo vệ thực vật nên các đơn vị thu mua rất ưa thích” - ông Hà cho biết.

Với 220 thùng ong, hiện đều đặn hằng tuần ông thuê hàng chục thợ để quay ong lấy mật. Mỗi thùng ong đặt trung bình từ 6-10 cầu ong. Mỗi tuần, 1 cầu ong cho sản lượng khoảng 6-8 lạng mật, với giá bao tiêu sản phẩm hiện nay dao động khoảng 26-30 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi tuần quay, gia đình ông thu từ 30-40 triệu đồng. “Nghe nói về thu nhập, nhiều người cũng giật mình sao mà cao thế, nhưng không phải ai cũng biết nghề này rất nhiều rủi ro. Chọn được chỗ ổn định, ít nhà dân thì đàn ong được đặt cố định 1-2 tháng. Nếu gặp vườn cây ăn trái hay cây trồng của người dân xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ vài ngày là phải chuyển đi do nguồn thức ăn đó không đảm bảo, ong dính phải sẽ chết và giảm đàn rất nhanh. Chi phí di chuyển mỗi lần cả chục triệu đồng, rồi công sức, thời gian tốn kém rất lớn” - ông Hà chia sẻ thêm.

Cách khu vực đặt ong của ông Hà chừng 4km, nằm sâu trong Nông trường cao su Thuận Phú, xã Thuận Phú, anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi), ngụ xã Thuận Lợi (Đồng Phú) đang dùng bình xịt khói tự chế bằng vỏ hộp sữa bột loại 1kg cùng một số que củi đốt tạo khói để kiểm tra các thùng ong của mình. Hơn 10 năm kiên trì với nghề nuôi ong lấy mật, anh đang có hơn 300 thùng ong. Tuy nhiên, số cầu ong trong mỗi thùng của anh chỉ dao động 4-6 cầu. Sản lượng từ đó cũng không được nhiều như các chủ nuôi ong khác. Anh Tuấn cho biết: “Nghề nuôi ong không phải cứ có kinh nghiệm là làm được mà còn cần có niềm đam mê, yêu thích, cộng chút liều lĩnh. Nghề này có năm mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có năm thất thu không đủ bù vốn bỏ ra. Không ít người đã phải từ bỏ nghề này bởi không thể kiên trì cũng như chấp nhận rủi ro mang lại”.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG

Việc các chủ nuôi ong về vườn rẫy của người dân hay nông trường cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong mùa cao su thay lá đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên”. Do thời gian nhàn rỗi, không phải đi cạo mủ, các chủ ong thường liên hệ với công nhân cạo mủ hay người dân địa phương để cùng phụ thu hoạch mật ong (quay ong). Nhu cầu mỗi năm một lớn, những công nhân cạo mủ cao su sau mỗi mùa được thuê dần quen việc thời vụ này. Từ đó, nhiều nhóm thợ quay ong được hình thành.

Hơn 15 năm làm công nhân tại nông trường cao su, đến nay anh Nguyễn Khắc Thủy (39 tuổi), ngụ xã Thuận Lợi cũng đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề quay mật ong. “Nghề thu hoạch mật ong thường diễn ra vào mùa cao su thay lá, công nhân cạo mủ không có việc làm. Công việc chủ yếu trong buổi sáng nhưng thu nhập cũng từ 280-300 ngàn đồng/buổi, cao hơn nhiều so với công cạo mủ. Tuy nhiên, công việc này khá nguy hiểm không phải ai cũng dám làm” - anh Thủy nói.

Gần 3 năm gắn bó với công việc thu hoạch mật ong, bà Trịnh Thị Thành, cùng ngụ xã Thuận Lợi thường được giao công đoạn cuối cùng là quay mật (quay máy li tâm). Bà Thành cho biết: “Làm lâu nhưng tôi vẫn còn sợ, đi làm lúc nào cũng phải mặc 2-3 lớp quần áo, đội nón bảo hộ vì ong chích rất đau. Thu nhập từ công việc này cũng khá, bình quân 300 ngàn đồng/buổi”.

Nghề nuôi ong lấy mật không chỉ giúp người nuôi có thu nhập cao, góp phần tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương mà hơn thế, những đàn ong còn góp phần giúp các loại cây thụ phấn, tăng khả năng đậu trái, tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Vì vậy, nghề này đang dần được nhiều nông dân chọn làm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.

Đức Hinh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang