Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 09/04/2019
Ngày cập nhật:
10/4/2019
Người chăn nuôi Đắk Lắk chưa kịp vui vì giá heo tăng cao và khá ổn định sau một thời gian dài rớt giá thê thảm thì dịch bệnh lại ập đến. Tình trạng này không chỉ khiến nhiều hộ rơi vào cảnh khốn đốn mà ngành chăn nuôi cũng phải căng mình cùng dân chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi chủ lực của tỉnh…
Từ 3 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) vào cuối tháng 1-2019, với 103 con heo chết và tiêu hủy, thì đến ngày 6-4 dịch đã lan ra 117 hộ, 71 thôn buôn, 31 xã phường của 10/15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo mắc bệnh là 2.043 con; số heo chết và tiêu hủy 1.935 con. Các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Pắc là những địa phương bùng phát dịch nặng nhất tỉnh, liên tục phát sinh những ổ dịch mới. Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện dịch bệnh LMLM đang diễn biến phức tạp, khác thường khi các ổ bệnh xảy ra cách rất xa nhau nên số địa phương xuất hiện dịch bệnh tăng nhanh. Dịch LMLM chủ yếu bùng phát ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gây thiệt hại không nhỏ cho các nông hộ.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin kiểm tra tình hình dịch bệnh ở xã Ea Hu.
Ông Hà Tiến Binh (thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình đang nuôi 14 con heo thịt được gần 5 tháng tuổi. Từ khi nghe về bệnh dịch tả heo châu Phi, ngày nào gia đình cũng xịt khử trùng, không cho người lạ đi vào khu vực chăn nuôi và tiêm phòng các loại bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả, nhưng lại không tiêm phòng bệnh LMLM. Tưởng việc phòng bệnh đã thực hiện tốt, không ngờ dịch LMLM lại ập đến. Đàn heo bỗng nhiên bỏ ăn, sốt, chân sưng, mưng mủ, không đứng dậy được và có một số con chết. Chính quyền, cán bộ thú y xã đến kiểm tra và kết luận đàn heo của gia đình bị bệnh LMLM, buộc phải tiêu hủy hết. Ông Binh xót xa nói: “Gia đình thuộc hộ nghèo, số tiền đầu tư cho đàn heo hết gần 80 triệu đồng được gia đình vay mượn từ người thân. Tiêu hủy hết đàn heo coi như gia đình trắng tay, không biết lấy gì để trả nợ…”
Theo ông Phạm Thanh Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu, đến thời điểm này toàn xã có 3 ổ dịch với 27 con heo mắc bệnh. Chính quyền phối hợp với lực lượng thú y tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh. Hiện trên địa bàn xã có trên 1.000 con heo, phần lớn là chăn nuôi nông hộ nên công tác chống dịch gặp khá nhiều khó khăn vì quy mô nhỏ, lẻ, việc vệ sinh chuồng trại thực hiện chưa tốt... Hiện xã cũng đã cấp 2 tấn vôi, 20 lít hóa chất cho các thôn chống dịch, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện cam kết “5 không” trong phòng chống dịch (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Xã cũng đã đề xuất huyện cấp vắc xin để tiêm phòng bao vây dập dịch, hạn chế thiệt hại cho người dân.
Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Sở NN-PTNT cũng đã trình UBND tỉnh mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân và hiện Sở Tài chính đang xem xét để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp cho người chăn nuôi.
Trong khi các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lao đao vì bị dịch tấn công thì các trang trại lớn cũng phải thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách để ngăn chặn sự lây nhiễm của của dịch tả heo châu Phi vào các trang trại. Ông Đặng Nguyễn Thái Học, chủ trang trại ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình có 70 con nái, được nuôi theo mô hình khép kín từ con giống đến heo thịt. Để bảo vệ đàn heo, gia đình đã thực hiện kỹ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, từ việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đến phun thuốc sát trùng hằng ngày, rắc vôi trong khu vực chăn nuôi, không cho người lạ vào trang trại…
Xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) thực hiện tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh lở mồm long móng.
Riêng các trang trại của Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam cũng đang ráo riết thực hiện nghiêm ngặt khâu sát trùng chuồng trại (1 lần/ngày), tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; các xe của thương lái đến mua heo không được vào trang trại, phải để cách trang trại từ 500 m đến 1 km và công nhân trang trại chở heo ra ngoài xe cho thương lái, trước khi vô lại cũng phải sát trùng, thay đồ, tắm rửa sạch sẽ… nhằm bảo vệ đàn heo trước sự tấn công của dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát nhanh như hiện nay, tổng đàn có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh rất lớn, trên 52.000 con. Trước tình hình trên, tỉnh cũng đã công bố dịch LMLM trên địa bàn Đắk Lắk, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trong đó, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh LMLM đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch để thực hiện dập dịch kịp thời, hạn chế lây lan; đẩy mạnh công tác tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh trên toàn tỉnh; thực hiện cách ly, hạn chế người và vật qua lại khu vực có dịch làm phát tán mầm bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm giết mổ gia súc… Sở NN-PTNT đã cấp 52.000 liều vắc xin LMLM týp O, 4.000 lít hóa chất, 30 tấn vôi, 35.000 tờ rơi cho các địa phương thực hiện công tác chống dịch.
TP. Buôn Ma Thuột triển khai tiêm phòng lở mồm long móng trên heo
Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để hỗ trợ địa phương chống dịch lở mồm long móng (LMLM) trên heo, tỉnh đã cấp cho thành phố 5.000 liều vắc xin (typ O), 300 lít hóa chất, 2 tấn vôi và 2.300 tờ rơi.
Theo đó, Trạm đã phân bổ số vắc xin và vật tư chống dịch trên cho 21 xã, phường; hướng dẫn cho người tham gia tiêm phòng về cách bảo quản vắc xin và kỹ thuật tiêm phòng. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức công tác tiêm phòng đầy đủ và kịp thời. Hiện nay, các địa phương bắt đầu ra quân tiêm phòng LMLM miễn phí cho đàn heo và phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi ở các nông hộ. Riêng các trang trại, gia trại sẽ phải chủ động mua vắc xin về tiêm cho đàn heo theo quy định.
Được biết, từ ngày 25 đến 29-3-2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh LMLM ở 3 thôn (thuộc phường Khánh Xuân và xã Hòa Khánh), với tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là 12 con. Tính đến thời điểm này, không có địa bàn nào phát sinh thêm ổ dịch mới.
Minh Thuận
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.