Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 10/04/2019
Ngày cập nhật:
12/4/2019
Với 100 thỏ nái, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Công Phúc ở xóm Hương Đình, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Sau vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” bởi trồng cây màu và chăn nuôi lợn, gà, ông Nguyễn Công Phúc (sinh năm 1960), ở xóm Hương Đình, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định nuôi thỏ New Zealand, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình nuôi thỏ thương phẩm đầu tiên cho thu nhập khá tại địa phương, được nhiều người dân đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Kể lại quá trình phát triển kinh tế gia đình, ông Phúc cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu lợn và vịt sinh sản, tuy nhiên giá cả năm được năm mất nên nhiều khi không có lãi. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2015, tôi quyết định về cải tạo chuồng trại để nuôi thỏ New Zealand. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm 10-20 thỏ nái, tuy nhiên kinh nghiệm còn hạn chế nên thỏ không chỉ sinh nở không đều mà còn mắc bệnh rồi chết dần. Để tích lũy kinh nghiệm, ngoài việc tìm hiểu thực tế, tôi còn tham khảo kiến thức chăn nuôi trên tivi, sách, báo, đến nay, việc chăn nuôi đã thuận lợi hơn, đàn thỏ nái phát triển ổn định và tăng lên 100 con.
Theo ông Phúc, giống thỏ New Zealand có ưu điểm về khả năng sinh sản tốt, thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Theo đó, một năm thỏ mẹ có thể sinh sản 5 lứa, mỗi lứa 5-7 con; thỏ thương phẩm trong 3-3,5 tháng đã có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt 2,3-2,7 kg/con. Bên cạnh đó, thức ăn của thỏ cũng không quá cầu kỳ, ngoài cho ăn cám còn có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn sẵn có như: ngô, khoai lang, rau xanh…
Tuy nhiên, thỏ cũng rất dễ nhiễm bệnh ngoài da và đường ruột, do vậy không chỉ chú trọng tiêm phòng đầy đủ mà khâu làm chuồng trại cũng phải đặc biệt lưu tâm. Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, khu nuôi thỏ được ông Phúc xây dựng ở nơi thoáng mát, rộng rãi, mỗi con thỏ được thả trong một ô chuồng nhỏ chừng 0,5m2, cách mặt đất 1,5m. Cùng với đó, hệ thống máng ăn, máng uống nước cũng được lắp đặt khoa học để thỏ có thể ăn, uống tiện lợi và dễ dàng. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, uống phù hợp theo từng mùa, ông Phúc còn trang bị cả hệ thống làm mát, giữ ấm để thỏ sinh trưởng, phát triển ổn định.
Năm 2017, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Phúc đã được Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản (trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hằng tháng, Công ty sẽ cử nhân viên về kiểm tra tình hình sức khỏe của đàn thỏ thương phẩm, thỏ con sau khi tách mẹ được 1 tháng tuổi sẽ được bấm số theo dõi và tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định. Hiện nay, với 100 thỏ nái, bình quân mỗi năm gia đình ông Phúc xuất bán 1.500-2.000 con thỏ thương phẩm cho Công ty. Với giá bán dao động từ 170-200 nghìn đồng/con tùy loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài việc tập trung nuôi thỏ, tận dụng diện tích vườn đồi rộng, gia đình ông Phúc còn nuôi cá thương phẩm với diện tích hơn 1.000m2, kết hợp trồng hơn 1.000 cây ăn quả các loại, cho tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Theo chia sẻ của ông Phúc: Sau nhiều lần thất bại bởi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tôi rút ra bài học kinh nghiệm nếu chỉ làm nông đơn thuần thì không thể giàu lên. Vì vậy, bản thân tôi luôn nỗ lực tìm hiểu những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Hiện nay, mô hình vườn - ao - chuồng là hướng đi mà gia đình tôi xác định gắn bó lâu dài và dự kiến sẽ mở rộng quy mô để cải thiện thu nhập…
Theo đánh giá của ông Trần Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Tân Phú: Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Phúc hiện khá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bởi có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi, đầu ra ổn định. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Phúc còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống để người dân đưa thỏ thương phẩm vào chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập. Theo tìm hiểu của địa phương, số lượng thỏ thương phẩm cung cấp cho Công ty Dược phẩm Nippon Zonki Nhật Bản hiện vẫn thiếu, do đó, xã cũng khuyến khích các hộ dân đưa thỏ vào nuôi phù hợp điều kiện thực tế của từng gia đình.
Trịnh Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.