Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 10/04/2019
Ngày cập nhật:
13/4/2019
Xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang nằm trải dài dọc theo con đê sông Thương, có nhiều đồng cỏ tự nhiên, là địa điểm lý tưởng để chăn thả trâu, bò. Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều hộ nông dân của xã đã trú trọng phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi trâu, bò, trong đó, phải kể đến gia đình anh Thân Văn Tuyến, thôn Sòi, xã Đồng Sơn.
Chất lượng con giống- quyết định thành công
Anh Tuyến nuôi bò cái sinh sản đến nay được 10 năm. Chăn nuôi bò cái sinh sản là nghề chính của gia đình, góp phần ổn định cuộc sống của 4 người trong nhà nhất là khi các con anh đang học đại học. Hiện, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ việc bán bê con trên 130 triệu đồng.
Chúng tôi gặp anh Tuyến tại bãi chăn thả trước cửa nhà, anh vui vẻ cho biết, trước kia gia đình cũng nuôi bò nhưng chủ yếu nuôi giống bò vàng địa phương, bò cái đến kỳ động dục thì phối tinh nhân tạo nhưng phối bằng tinh bò nội, chính vì vậy bê con sinh ra có trọng lượng sơ sinh nhỏ, chỉ 18- 20kg/con, bê chậm lớn, nuôi 8-10 tháng mới được bán, giá bán thấp chỉ 10-12 triệu đồng/con.
Từ năm 2014 trở lại đây, anh được tham gia các khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thành phố và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đồng thời được dẫn tinh viên tư vấn nên anh đã biết đến các giống bò cao sản siêu thịt như bò BBB, bò Charolais. Tuy nhiên, để được tham gia vào dự án cải tạo đàn bò, yêu cầu các hộ chăn nuôi phải có đàn bò cái nền là bò lai Zêbu, trọng lượng 250kg trở lên, vì vậy anh Tuyến bàn với vợ và quyết định chọn lọc lại đàn bò cái của gia đình để tham gia chương trình.
Hiện nay, đàn bò cái của gia đình anh luôn duy trì quy mô đàn từ 11-13 con, đều là giống bò cái lai Zêbu nên rất mắn đẻ, sữa tốt, nuôi con khéo. Cho đàn bò cái phối giống với tinh bò cao sản nhập ngoại, qua theo dõi, anh Tuyến nhận thấy, bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, chân to, tai to, bê con phàm ăn, chóng lớn, chỉ cần nuôi 5-6 tháng đã có thể xuất bán, với giá bán thường từ 15-16 triệu đồng/con, gần đây nhất đã bán được 20 triệu đồng/con bê đực.
Khi được hỏi về khó khăn trong quá trình chăn nuôi bò sinh sản, anh Tuyến cho biết, đáng ngại nhất là bệnh tụ huyết trùng. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa như hiện nay, bệnh gây chết rất nhanh và tỷ lệ chết cao. Đã có năm gia đình anh cũng thất thu do có 4 bò mẹ bị chết do bệnh tụ huyết trùng. Để đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chăn nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên. Toàn bộ chuồng trại và bãi chăn thả phải được vệ sinh tẩy uế. Song song với đó là tiêm phòng vắc-xin hàng năm (6 tháng một lần) cho đàn trâu bò để chúng có miễn dịch, chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Anh Đào Ngọc Anh, dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo trâu bò trên địa bàn thành phố Bắc Giang cho biết, gia đình anh Tuyến cũng như các hộ chăn nuôi trong thôn đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Xu hướng chăn nuôi bò sinh sản bằng các giống bò lai zêbu như hiện nay đang được các hộ dân trên địa bàn ưa chuộng. Đặc biệt các hộ tham gia Hội chăn nuôi bò thôn Sòi, 100% phối tinh bò giống nhập ngoại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách chăn nuôi bò có “một không hai”
Tại thôn Sòi, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang đã hình thành Hội chăn nuôi bò và đi vào hoạt động được 5 năm.
Tham gia Hội chăn nuôi bò, giúp người chăn nuôi thôn Sòi tiết kiệm được thời gian, nhân lực
Cùng thôn với anh Tuyến, anh Sáng tham gia Hội chăn nuôi bò cho biết, mọi người chăn nuôi bò rủ nhau tham gia Hội. Hoạt động của Hội rất đơn giản, các hộ trong Hội sẽ phân công nhau chăn bò, tùy số lượng bò của mỗi gia đình mà số ngày chăn nhiều hay ít. Nếu hộ có 1 con sẽ chăn một ngày, hộ có 10 con sẽ đi chăn 10 ngày và cứ thế quay vòng lần lượt. Hộ nào có ít bò có khi một tháng mới phải đi chăn bò một lần. Thường cứ sáng sớm các hộ sẽ đưa bò đến nơi quy định giao cho hộ được phân công đi chăn, chiều tối người được phân công sẽ lùa bò về vị trí tập kết để giao trả bò cho các hộ còn lại. Cứ luân phiên như vậy, nếu đến phiên gia đình nào chăn bò mà có việc bận thì có thể thương lượng với các hộ còn lại trong Hội để đổi lịch chăn bò. Đây là cách làm hay và độc đáo, giúp tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mặt khác bò đi chăn theo đàn như vậy sẽ đua nhau gặm cỏ và nhanh lớn hơn so với chăn nuôi nông hộ. Mặt khác, tham gia vào Hội, các hộ còn được học tập kinh nghiệm lẫn nhau; công tác tiêm phòng cũng sẽ thuận lợi hơn, các hộ cùng nhau mua vắcxin và thuê cán bộ thú y tiêm cho đàn bò của cả Hội.
Với cách chăn nuôi bò “có một không hai” này, người dân thôn Sòi, xã Đồng Sơn đã được nhiều người tìm đến để học tập. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, bởi ngoài hiệu quả kinh tế mang lại nó còn có hiệu quả xã hội, gắn kết cộng đồng.
Nguyễn Thị Thanh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.